Biện pháp tự nhiên giảm nhanh chứng ngứa họng

Ngứa họng có thể là hậu quả của nhiễm virus hoặc các chất gây kích ứng từ môi trường như bụi. Các biện pháp tại nhà đơn giản dưới đây có thể giúp giảm ngứa họng hiệu quả mà không lo tác dụng phụ.

1. Nguyên nhân nào gây ngứa họng?

Ngứa họng do viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi hoặc lông thú cưng kích hoạt hệ thống miễn dịch. Theo TS Shashidhar, chuyên gia tai mũi họng tại Ấn Độ, quá trình giải phóng histamine dẫn đến tình trạng viêm và ngứa ở họng và khoang mũi.

Viêm mũi dị ứng là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến 400 triệu người trên thế giới, theo nghiên cứu được công bố trên Frontiers In Medicine năm 2022.

Độ ẩm thấp

Độ ẩm trong không khí ảnh hưởng đến độ ẩm trong họng và khoang mũi. Độ ẩm thấp, đặc biệt vào mùa hè và mùa đông, có thể làm khô cổ họng, dẫn đến ngứa.

Ngứa họng là tình trạng phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra.

Ngứa họng là tình trạng phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra.

Nhiễm trùng do virus

Nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường hoặc cúm, khá phổ biến trong mùa đông. Chúng có thể gây viêm họng và tình trạng viêm này thường dẫn đến cảm giác ngứa họng.

Chảy dịch mũi sau

Chất nhầy dư thừa từ xoang, do dị ứng hoặc nhiễm trùng, chảy xuống phía sau họng. Điều này có thể gây kích ứng niêm mạc dẫn đến ngứa họng. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ho khan, ngứa họng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trong đó axit dạ dày trào ngược lên thực quản nhiều lần, gây kích ứng họng, có khả năng dẫn đến ngứa họng mạn tính.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế ACE (enzyme chuyển angiotensin) dùng để điều trị huyết áp cao, có thể gây ngứa họng như một tác dụng phụ.

Trong một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Turkish Thoracic, tỷ lệ ho, thường là ho khan kèm theo cảm giác ngứa ở họng, được báo cáo là từ 3,9 đến 35 phần trăm ở những người sử dụng thuốc ức chế ACE.

Ngứa họng có thể do kích ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Ngứa họng có thể do kích ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc.

2. Các biện pháp khắc phục tại nhà cho tình trạng ngứa họng

Ngứa họng có thể gây khó chịu, nhưng các biện pháp khắc phục tại nhà giúp làm dịu tình trạng kích ứng, giảm viêm, từ đó giảm ngứa họng.

- Súc miệng bằng nước muối ấm: Đây là biện pháp khắc phục tốt nhất để thoát khỏi tình trạng ngứa họng vì làm giảm viêm và loại bỏ các chất gây kích ứng khỏi cổ họng.

Cách pha nước muối: Dùng 1/4 thìa cà phê muối cho vào một cốc nước ấm rồi súc miệng trong 30 giây để làm dịu tình trạng ngứa họng. Cố gắng thực hiện ít nhất hai đến ba lần một ngày.

- Mật ong và nước ấm: Không chỉ muối mà mật ong cũng có thể giúp thoát khỏi tình trạng ngứa họng. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y sinh học Nhiệt đới Châu Á - Thái Bình Dương, mật ong có hoạt tính kháng khuẩn, làm giảm tình trạng viêm nhiễm tại họng.

Cách dùng: Thêm 1 đến 2 thìa cà phê mật ong vào một cốc nước ấm, khuấy đều và uống hai lần mỗi ngày.

Sử dụng mật ong và nước ấm giảm kích ứng gây ngứa họng.

Sử dụng mật ong và nước ấm giảm kích ứng gây ngứa họng.

- Trà gừng: Gừng có các hợp chất chống viêm giúp giảm tình trạng kích ứng cổ họng, giảm tình trạng ngứa họng.

Cách pha trà gừng: Đun sôi vài lát gừng tươi trong nước khoảng 10 phút, lọc lấy nước. Sau đó thêm mật ong hoặc chanh vào tách trà gừng để tăng hương vị và uống khi còn ấm.

- Sữa nghệ: Nghệ có chứa curcumin, là chất chống viêm mạnh, giúp giảm ngứa họng do viêm.

Cách chế biến: Thêm nửa thìa cà phê bột nghệ vào một cốc sữa ấm và trộn đều. Uống trước khi đi ngủ để cổ họng ngứa không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

- Trà hoa cúc: Hoa cúc có tác dụng làm dịu và chống viêm, hỗ trợ giảm ngứa họng hiệu quả.

Cách chế biến: Ngâm một túi trà hoa cúc với nước nóng trong năm phút. Thêm mật ong để có tác dụng làm dịu và nhâm nhi khi còn ấm để giảm ngứa cổ họng.

- Duy trì đủ nước: Bất kể thời tiết như thế nào, hãy uống nhiều nước để duy trì chất điện giải và độ ẩm, đồng thời ngăn ngừa mất nước. Hơn nữa, duy trì đủ nước cũng giúp cổ họng của bạn ẩm, giảm ngay tình trạng ngứa họng.

- Xông hơi: Xông hơi giúp làm ẩm cổ họng và giảm khô, nguyên nhân gây kích ứng thêm cổ họng.

Cách thực hiện: Đun sôi nước, nhỏ thêm vài giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc bạc hà. Trùm khăn lên đầu và hít hơi nước trong 5 đến 10 phút để giảm ngứa cổ họng.

Xông hơi làm ấm cổ họng giúp giảm ngứa.

Xông hơi làm ấm cổ họng giúp giảm ngứa.

3. Các phương pháp điều trị khác khi bị ngứa họng

Sau khi tìm ra nguyên nhân gây ngứa họng, bác sĩ có thể đề xuất các phương án điều trị như sau:

- Thuốc: Thuốc kháng histamin, thuốc xịt mũi steroid, thuốc điều trị trào ngược như thuốc ức chế bơm proton và thuốc kháng sinh có thể được dùng nếu cần.

- Chăm sóc mũi: Thuốc xịt mũi nước muối, thuốc rửa mũi và máy tạo độ ẩm có thể được dùng để cung cấp độ ẩm.

- Thay đổi lối sống: Tránh các chất gây dị ứng, chất kích thích đồng thời kiểm soát trào ngược axit bằng cách tránh xa các loại thực phẩm cay và không ngủ ngay sau khi ăn...

Nếu bạn tiếp tục bị ngứa họng sau 7 đến 10 ngày, đặc biệt có kèm theo sốt cao, khó thở, đau ngực, mệt mỏi nghiêm trọng thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.

Mời bạn xem tiếp video:

Những lý do khiến bạn đau họng và cách điều trị | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-phap-tu-nhien-giam-nhanh-chung-ngua-hong-16924123012530232.htm
Zalo