Biên giới Việt Nam-Lào là cầu nối quan trọng của hợp tác khu vực
Đường biên giới Việt Nam-Lào là cầu nối quan trọng của hợp tác, phát triển và góp phần kết nối hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm khẳng định khi có đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác giữa hai bên biên giới được nâng cao thì mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả và được phát huy tốt nhất, trở thành “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Xin Đại sứ đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển Việt-Lào trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước?
Đường biên giới Việt Nam-Lào dài 2.337,459km đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào.
Trong nhiều năm qua, công tác biên giới lãnh thổ nói chung và công tác biên giới Việt Nam-Lào nói riêng đóng vai trò trọng yếu đối với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Lào.
Ngay sau khi giành được thắng lợi trong công cuộc giải phóng đất nước, hai nước đã ký kết các văn kiện pháp lý và thỏa thuận liên quan về quản lý biên giới phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế như: Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào (18/7/1977); Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền (16/3/2016), Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào (16/3/2016).
Đồng thời, hai nước đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo, phân giới cắm mốc với tổng cộng 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí. Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ.
Các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý nêu trên trong phối hợp quản lý và kiểm soát đường biên giới giúp tăng cường hiệu quả các hoạt động tuần tra biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm biên giới và xuyên biên giới, phòng chống buôn lậu, buôn bán ma túy và buôn bán người; ngăn chặn di cư tự phát, xuất nhập cảnh trái phép; phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh. Đặc biệt là không để các đối tượng xấu và các thế lực thù địch lợi dụng khu vực biên giới hai nước hoạt động, chống phá, chia rẽ quan hệ hai nước.
Trong những năm vừa qua, hai bên cũng đã hoàn thành thỏa thuận cấp Chính phủ giữa hai nước về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực giữa hai nước, góp phần ổn định, nâng cao cuộc sống người dân hai bên.
Thêm vào đó, biên giới Việt Nam-Lào không chỉ đóng vai trò xác định ranh giới lãnh thổ của mỗi nước, mà còn là nền tảng vững chắc cho việc duy trì, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, giao lưu và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam-Lào; góp phần tăng cường giao lưu nhân dân; mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư - thương mại tại khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương giáp biên.
Ngoài ra, đường biên giới Việt Nam-Lào còn là cầu nối quan trọng của hợp tác, phát triển và góp phần kết nối hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực, ngoài kết nối giữa hai nền kinh tế Việt Nam-Lào về hạ tầng giao thông, du lịch và năng lượng còn kết nối giữa ba nền kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia cũng như với Thái Lan, Trung Quốc.
Việt Nam và Lào sẽ có lợi thế, điều kiện chiến lược để trở thành trung tâm giao thương trong khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại quan trọng giữa các quốc gia láng giềng và các nước trong khu vực và thế giới, mang lại cơ hội và động lực lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước với ASEAN và quốc tế.
Có thể nói, khi có đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác giữa hai bên biên giới được nâng cao thì mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả và được phát huy tốt nhất, trở thành “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” đúng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vị-hản và Chủ tịch Su-pha-nu-vông cũng như các thế hệ Lãnh đạo của hai nước.
Đại sứ nhận định như thế nào về mối quan hệ giữa nhân dân khu vực biên giới Việt Nam-Lào thời gian vừa qua và nền tảng để giữ gìn mối quan hệ đó?
Trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ thân thiết, hợp tác chặt chẽ cùng phát triển giữa nhân dân các tỉnh giáp biên Việt Nam-Lào là biểu tượng sinh động của sự đồng hành cùng nhau phát triển của hai dân tộc. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai các thỏa thuận cấp cao ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương và nỗ lực phát huy được tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Nhân dân khu vực biên giới đã hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực, từ quốc phòng, an ninh cho đến kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực; giúp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội vùng biên; phòng chống và ngăn chặn các loại tội phạm xuyên quốc gia; cùng nhau xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, ổn định và phát triển.
Về nền tảng, có thể nói, quan hệ gắn bó giữa nhân dân khu vực biên giới được hun đúc bởi tình cảm chân thành, tinh thần đoàn kết kề vai sát cánh, truyền thống hợp tác, đùm bọc lẫn nhau và sự giao thoa cội nguồn, văn hóa.
Khu vực biên giới hai nước có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó có những dân tộc cùng chung một nguồn gốc lịch sử, một tiếng nói, thậm chí có bộ phận cùng chung một tổ tiên sinh ra rồi chia nhau đi tìm đất đai làm ăn nên có quan hệ họ hàng rất thân thiết, sự hiểu biết lẫn nhau, gắn bó một cách tự nhiên.
Ngoài ra, biên giới Việt Nam-Lào không chỉ là ranh giới địa lý, mà còn là cầu nối của sự giao thoa văn hóa sâu sắc giữa hai dân tộc anh em. Nhân dân khu vực biên giới có mối quan hệ láng giềng thân thiện, có truyền thống hữu nghị từ lâu đời, bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tình cảm sâu đậm giữa cộng đồng dân cư khu vực biên giới hai nước đã trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan của hai dân tộc Việt Nam-Lào, được nuôi dưỡng bằng sự chia sẻ, tương tác văn hóa và truyền thống từ ngàn xưa, cũng như thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như giúp đỡ nhau mỗi khi có “tối lửa tắt đèn”, gặp thiên tai, địch họa ngày nay.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc cực kỳ gian khổ, quân địch đánh phá dữ dội nhằm chặn đường tiếp viện vào Miền Nam Việt Nam. Nhân dân các tỉnh biên giới đã chi viện cho nhau, luôn sát cánh bên nhau phối hợp chiến đấu, cùng nhau trải qua những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử.
Đặc biệt, Chính phủ và nhân dân Lào đã phải chịu hàng triệu tấn bom đạn của kẻ thù, tạo điều kiện để quân giải phóng Việt Nam mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên đất Lào, giúp tăng cường chi viện cho chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tạo điều kiện để Việt Nam thống nhất đất nước và giải phóng đất nước Lào, viết nên những bản hùng ca lịch sử hào hùng của hai dân tộc.
Trên nền tảng đó, thực hiện các thỏa thuận cấp cao, cũng như đường lối chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, với tinh thần đoàn kết anh em một nhà, nhân dân các địa phương giáp biên Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục đồng hành phát triển, tích cực đóng góp vào việc củng cố, bảo vệ vững chắc biên giới, xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong thời gian tới.
Hợp tác phòng, chống tội phạm biên giới, xuyên biên giới giữa hai nước thời gian qua có những điểm sáng nổi bật nào, thưa Đại sứ?
Thời gian qua, lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong hợp tác phòng, chống tội phạm biên giới, xuyên biên giới giữa hai nước và đạt được nhiều kết quả tích cực và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, nhất là sự phối hợp của lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng hai nước.
Trong đó nổi bật là công tác trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, hành động đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển ma túy và chất gây nghiện; truy bắt, vận động đầu thú các đối tượng truy nã của Việt Nam tại Lào; đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm xuyên biên giới như rửa tiền, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, đòi nợ thuê, bắt cóc tống tiền; giải cứu công dân Việt Nam là nạn nhân lừa đảo, buôn bán người; chuyển giao người bị kết án phạt tù từ Việt Nam về Lào; triệt phá các đường dây đánh bạc bất hợp pháp ở khu vực biên giới; phối hợp giải quyết các vụ án, tranh chấp.
Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, phương thức mới. Điển hình như việc các tổ chức tội phạm thông qua quảng cáo tuyển dụng trên mạng với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”, làm văn phòng, telesales, chăm sóc khách hàng qua mạng… nhưng thực chất là sau khi bị đưa qua biên giới sẽ bị chúng khống chế, thu giữ giấy tờ tùy thân, ép buộc làm tại các công ty lừa đảo trực tuyến, bắt giữ đòi tiền chuộc hoặc bóc lột tình dục.
Năm 2024, lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng, đường dây liên quan đến loại tội phạm công nghệ cao nêu trên.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!