Biển Đông xuất hiện rãnh áp thấp nối với bão Krathon

Rãnh áp thấp nối với cơn bão Krathon gây ra mưa dông mạnh, sóng rất cao trên Biển Đông, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền trên biển. Đến thời điểm này, bão Krathon ít có khả năng đổ bộ vào nước ta.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay 2/10, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 15 - 20 độ vĩ bắc nối với cơn bão Krathon (bão số 5) có vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ vĩ bắc; 119,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Đông. Theo hình ảnh từ vệ tinh, rãnh áp thấp kéo dài từ tâm bão Krathon qua Biển Đông rồi đi qua vùng đất liền khu vực Nam Trung bộ.

Cơ quan khí tượng dự báo rãnh áp thấp chưa có khả năng mạnh lên thành vùng áp thấp hay áp thấp nhiệt đới nhưng nó gây ra mưa dông trên Biển Đông, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền trên biển.

Vị trí cà đường đi của bão Kerathon

Cùng ngày, ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9. Dự báo ngày và đêm 2.10, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8, biển động. Đêm gió giảm dần. Sóng cao 2 - 3 m.

Vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông (phía bắc vĩ tuyến 18,5; phía đông kinh tuyến 117,0) có mưa bão, gió mạnh cấp 9 - cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13 - cấp 15, giật trên cấp 17; sóng biển cao 8 - 10 m, biển động dữ dội.

Ngày và đêm 3/10, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông (phía bắc vĩ tuyến 19,5; phía đông kinh tuyến 118,0) gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - cấp 10, giật cấp 12 - cấp 13. Biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 6 - 8 m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng vùng biển đông bắc của khu vực bắc Biển Đông cấp 3.

Về diễn biến của bão, hồi 13 giờ ngày 2/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/h), giật trên cấp 17; di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, tốc độ 5-10km/h.2. Theo dự báo hiện tại, bão không có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền nước ta.

Dự báo lúc 13h ngày 3/10, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc với vận tốc 10km/h và suy yếu dần trên khu vực phía Nam đảo Đài Loan (Trung Quốc), sức gió đạt cấp 11-12, giật cấp 15

Lúc 13h ngày 4/10, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/h, và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc) với gió mạnh cấp 7, giật cấp 9

Lúc 13h ngày 5/10, bão di chuyển theo hướng Bắc khoảng 5km/h và suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển phía Bắc Đài Loan (Trung Quốc).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 19,5N; phía Đông kinh tuyến 117,5E) gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão cấp 13-15, giật trên cấp 17, sóng biển cao 8,0-10,0m; biển động dữ dội.Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Về diễn biến không khí lạnh, hiện nay (2/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9.

Ngày 2/10, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Trong đợt không khí lạnh này ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng sớm trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 19-22 độ, vùng núi 16-18 độ, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ; ở Nghệ An-Hà Tĩnh nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-23 độ.

Khu vực Hà Nội từ đêm 2-5/10 nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-22 độ, sáng sớm và đêm trời lạnh.

Trên biển, ngày 2/10, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Đêm gió giảm dần. Trong ngày và đêm 2/10, ở khu vực Quảng Bình đến Bình Định có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-dong-xuat-hien-ranh-ap-thap-noi-voi-bao-krathon-16924100215182946.htm
Zalo