Biến động về điểm chuẩn, học phí ngành Thương mại điện tử ở một số CSGDĐH

Năm 2024, ở một số CSGDĐH, ngành Thương mại điện tử có mức điểm chuẩn thấp nhất là 21 điểm và cao nhất là 28,02 điểm. Bên cạnh đó, học phí cũng có sự chêch lệch.

Thương mại điện tử (tên tiếng anh là E-Commerce) là ngành học tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh doanh, giúp sinh viên tốt nghiệp phát triển năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến và có thể tự xây dựng các mô hình kinh doanh trực tuyến của riêng mình.

Nhằm giúp thí sinh có thêm thông tin về ngành học này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và thống kê điểm chuẩn trong 3 năm gần đây và học phí ngành học này ở một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Tại Đại học Kinh tế quốc dân, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 60 chỉ tiêu ngành Thương mại điện tử, trong đó 11 chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 49 chỉ tiêu cho các phương thức khác.

 Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 của Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh chụp màn hình

Chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 của Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh chụp màn hình

Về phương thức xét tuyển, năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân cơ bản giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2023 với 3 phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển thẳng chiếm 2% trong tổng chỉ tiêu, phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (các tổ hợp xét tuyển như năm 2023) chiếm 18%, còn lại 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Theo đó, trong 3 năm trở lại đây, điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành Thương mại điện tử tại Đại học Kinh tế Quốc dân có sự biến động nhẹ. Cụ thể, năm 2022, điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử là 28,10 điểm. Năm 2023, ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn là 27,65 điểm, giảm gần 0.5 điểm so với năm 2022; và sau đó tăng lên là 28,02 điểm vào năm 2024.

Về học phí năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử thuộc chương trình chuẩn dao động khoảng 16-22 triệu đồng/ năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ.

Trường Đại học Thương mại đào tạo ngành Thương mại điện tử gồm 2 chuyên ngành: Quản trị Thương mại điện tử và Kinh doanh số. Trong đó, nhà trường mới mở đào tạo chuyên ngành Kinh doanh số từ năm 2024.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 220 chỉ tiêu chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử, trong đó dành 88 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (40%) và 132 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức khác (60%). Còn đối với chuyên ngành Kinh doanh số, nhà trường tuyển 100 chỉ tiêu, trong đó 40 chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 60 chỉ tiêu cho các phương thức khác.

Năm 2024, Trường Đại học Thương mại xét tuyển theo các phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp.

Về điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 2 chuyên ngành thuộc ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Thương mại có nhiều biến động đáng chú ý như sau:

Năm 2022, chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử có điểm chuẩn là 27 điểm và giảm 0,3 điểm vào năm 2023, còn 26,7 điểm. Đến năm 2024, mức điểm chuẩn cho chuyên ngành này tiếp tục tăng trở lại như năm 2022 là 27 điểm.

Trong khi đó, năm 2022 và năm 2023 chưa có chuyên ngành Kinh doanh số. Đến năm 2024, nhà trường đã công bố mức điểm chuẩn cho chuyên ngành này là 26,2 điểm.

 Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trường Đại học Thương mại từ năm 2022 đến năm 2024. (Ảnh: Thu Thủy)

Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trường Đại học Thương mại từ năm 2022 đến năm 2024. (Ảnh: Thu Thủy)

Về học phí năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử thuộc chương trình đào tạo chuẩn dao động từ 2,4-2,6 triệu đồng/ tháng, tương đương 24-26 triệu đồng /10 tháng/ năm học.

 Học phí đại học chính quy năm học 2024-2025 của Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Học phí đại học chính quy năm học 2024-2025 của Trường Đại học Thương mại. Ảnh chụp màn hình

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 200 chỉ tiêu ngành Thương mại điện tử, trong đó 2 chỉ tiêu theo xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh, 138 chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 40 chỉ tiêu theo xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và 20 chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh riêng theo đề án của cơ sở đào tạo.

Về phương thức xét tuyển, năm 2024, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế sử dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; xét tuyển thẳng theo quy định của trường.

Năm 2022, điểm chuẩn của ngành Thương mại điện tử theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 22,5 điểm. Đến năm 2023, mức điểm chuẩn cho ngành này giảm 0,5 điểm còn 22 điểm. Năm 2024, ngành này tiếp tục giảm thêm 1 điểm so với năm ngoái còn 21 điểm.

Năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử có mức học phí là 620.000 đồng/ tín chỉ, tương đương 19,1 triệu đồng/ năm học. Lộ trình học phí tăng không quá 15% theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

 Học phí đại học chính quy của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế năm học 2024-2025. Ảnh chụp màn hình

Học phí đại học chính quy của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế năm học 2024-2025. Ảnh chụp màn hình

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 145 chỉ tiêu ngành Thương mại điện tử, trong đó có 5 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh, 25 chỉ tiêu xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, 25 chỉ tiêu xét dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ), 85 chỉ tiêu xét tuyển sinh riêng theo Đề án của cơ sở đào tạo và 5 chỉ tiêu xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024.

Theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng có điểm chuẩn là 26 điểm và tăng nhẹ 0,5 điểm vào năm 2023, tức 26,5 điểm. Đến năm 2024, mức điểm chuẩn cho ngành này là 26 điểm.

Năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử có mức học phí là 25,5 triệu đồng/ năm. Dự kiến học phí năm học 2025-2026 của ngành Thương mại điện tử là 27,5 triệu đồng/ năm; năm học 2026-2027 là khoảng 29,5 triệu đồng/ năm; năm học 2027-2028 là khoảng 31,5 triệu đồng/ năm.

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển tổng 105 chỉ tiêu cho ngành Thương mại điện tử và Thương mại điện tử (tiếng Anh).

Về phương thức xét tuyển, năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tuyển 2760 chỉ tiêu theo 5 phương thức tuyển sinh như sau: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (5%); ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (20%); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (30-50%); xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024 (40-60%); xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế kết hợp kết quả trung học phổ thông hoặc có chứng chỉ SAT, ACT hoặc bằng tú tài quốc tế (IB), chứng chỉ A-lever (tối đa 10% tổng chỉ tiêu).

Theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn là 27,55 điểm và có xu hướng giảm nhẹ vào năm 2023 và năm 2024 lần lượt là 27,48 điểm và 27,44 điểm.

 Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2022 đến năm 2024. (Ảnh: Thu Thủy)

Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2022 đến năm 2024. (Ảnh: Thu Thủy)

Đối với năm học 2024-2025, tùy thuộc vào chương trình học, ngành Thương mại điện tử có mức học phí khác nhau. Trong đó, với ngành Thương mại điện tử (tiếng Việt) có mức học phí khoảng 13,750 triệu đồng/ học kỳ, tương đương 27,5 triệu đồng/ năm học. Các năm học 2025-2026, 2026-2027, 2027-2028 có mức học phí dự kiến lần lượt là 15,750 triệu đồng/ học kỳ; 17,750 triệu đồng/ học kỳ; 19,750 triệu đồng/ học kỳ.

Đối với ngành Thương mại điện tử (tiếng Anh), mức học phí năm học 2024-2025 là 28,8 triệu đồng/ học kỳ, tương đương 57,6 triệu đồng/ năm học. Các năm học 2025-2026, 2026-2027, 2027-2028 có mức học phí dự kiến lần lượt là 32,5 triệu đồng/ học kỳ; 36,750 triệu đồng/ học kỳ; 41,5 triệu đồng/ học kỳ.

 Học phí đại học chính quy của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Học phí đại học chính quy của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 140 chỉ tiêu ngành Thương mại điện tử. Trong đó, trường tuyển 2 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển thẳng, 2 chỉ tiêu theo phương thức thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nước ngoài, 56 chỉ tiêu theo phương thức học sinh Giỏi, 28 chỉ tiêu theo phương thức tổ hợp môn, 14 chỉ tiêu theo phương thức thi đánh giá năng lực và 38 chỉ tiêu theo phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Năm 2024, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 6 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học sinh Giỏi; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Về điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Thương mại điện tử của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 27,4 điểm; 26,61 điểm và 26,5 điểm.

 Thương mại điện tử đang là xu hướng của thời đại công nghệ 4.0. (Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ)

Thương mại điện tử đang là xu hướng của thời đại công nghệ 4.0. (Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ)

Về học phí năm học 2024-2025, ngành Thương mại điện tử thuộc chương trình tiên tiến. Tùy thuộc vào sinh viên lựa chọn chương trình học bằng tiếng Việt, tiếng Anh và thực hành có mức học phí khác nhau. Cụ thể, chương trình tiên tiến học bằng tiếng Việt có học phí là 975.000 đồng/ tín chỉ. Chương trình tiên tiến học bằng tiếng Anh có học phí gấp 1,4 lần so với chương trình học tiếng Việt, khoảng 1,365 triệu đồng/ tín chỉ. Trong đó, chương trình toàn khóa gồm 7 học kỳ, gồm 121 tín chỉ. Lộ trình tăng học phí không quá 10%/ năm.

 Học phí đại học chính quy của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025. Ảnh chụp màn hình

Học phí đại học chính quy của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025. Ảnh chụp màn hình

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bien-dong-ve-diem-chuan-hoc-phi-nganh-thuong-mai-dien-tu-o-mot-so-csgddh-post247586.gd
Zalo