Biến động mạnh trước kỳ đáo hạn phái sinh
Trong phiên giảm mạnh cuối tuần qua, áp lực xuất hiện chủ yếu ở nhóm VN30, rất phù hợp với những biến động thường thấy trước các đợt đáo hạn phái sinh khi dùng các trụ tạo biến động lớn.
Tâm điểm tỷ giá USD
Những phiên giao dịch đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự rung lắc, điều chỉnh trong bối cảnh sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ thị trường trái phiếu khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm vượt 4,5%/năm và tiếp tục chứng tỏ đà tăng trên đồ thị luân chuyển tài sản, trái ngược với chỉ số S&P 500 nằm trong vùng suy yếu.
Bên cạnh việc phải làm quen với mức lãi suất và lạm phát Mỹ sẽ giữ mức cao, nhà đầu tư còn phải làm quen với khái niệm “ngoại lệ Mỹ” khi thời gian nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump đang tới gần. Mặc dù dữ liệu vĩ mô còn nhiều biến động, kỳ vọng vào các chính sách có lợi cho tăng trưởng và triển vọng kinh tế tươi sáng đã khiến đồng USD tăng giá mạnh, chỉ số DXY đang vận động quanh mốc 109 điểm và vẫn còn khả năng tăng tiếp. Bên cạnh đó, dòng tiền còn luân chuyển vào các nhóm năng lượng, tiện ích và dịch vụ truyền thông. Nhu cầu điện dự kiến bùng nổ nhờ AI “ngốn” năng lượng và xây dựng trung tâm dữ liệu (data center) phát triển nhanh. Điều này giúp các công ty tiện ích lấy lại sức hút khi nhu cầu sử dụng điện tại Mỹ được dự báo tăng 9% trong vài năm tới.
Ở thị trường châu Á, các dữ liệu vĩ mô tháng 12/2024 đáng thất vọng từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) là nguyên nhân sự suy giảm của các chỉ số chứng khoán nước này. Bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện tại cho thấy áp lực giảm phát vẫn đeo đẳng do nhu cầu tiêu dùng yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Trên đồ thị luân chuyển tài sản, chỉ số Thượng Hải đã quay đầu đi vào vùng suy yếu. Dù vậy, ở một diễn biến khác, sự hồi phục của Trung Quốc dù chậm rãi nhưng vẫn đang diễn ra trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế mới. Chính vì thế, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2024 và 2025 lần lượt lên 4,9% và 4,5% so với dự báo 4,8% và 4,1% trước đó.
Xu hướng của VN-Index vẫn duy trì hướng lên tích cực, với biên độ dao động ngày một hẹp dần, được ủng hộ bởi hàng loạt thông tin tích cực liên quan các chính sách vĩ mô của một kỷ nguyên tăng trưởng mới đang chờ đón. Mặc dù DXY tăng mạnh, tỷ giá USD/VND vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước điều phối ổn định quanh mức 25.450 VND/USD với việc bán USD giao ngay và chào bán các hợp đồng kỳ hạn đáo hạn vào ngày 23/1/2025 (có kèm quyền chọn hủy) với cùng tỷ giá 25.450 VND/USD trong bối cảnh được hỗ trợ bởi dòng kiều hối cuối năm.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu ổn định trong xu hướng tăng nhẹ, hướng về vùng hồi phục. Động lực cho giá dầu đến từ triển vọng kinh tế khả quan đến từ hầu hết các nền kinh tế chính trên toàn cầu. Ở thị trường Trung Quốc, sau những số liệu vĩ mô không đạt kỳ vọng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có các cam kết thúc đẩy tăng trưởng, giúp hỗ trợ cho giá dầu. Hơn nữa, số liệu cho thấy ô tô hybrid đang dần chiếm ưu thế so với ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, với BYD - nhà sản xuất dẫn đầu - đã bán 4,3 triệu xe trong năm 2024, trong đó hơn một nửa là xe hybrid, đảo ngược so với năm trước. Tuy vậy, đà tăng bị hạn chế bởi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng dầu và nhiên liệu chưng cất tăng mạnh trong tuần qua.
VN-Index: Biên độ ngày một thu hẹp
Trong phiên cuối tuần qua, với nhiều thông tin không tích cực, VN-Index xuất hiện cú trượt khá mạnh hơn 15 điểm, lao thẳng vào vùng hỗ trợ quan trọng ngắn hạn tại quanh MA200 thuộc vùng biên độ hẹp 1.250 - 1.260 điểm. PMI trong nước sụt giảm dưới mức 50 điểm trong tháng 12/2024, kỳ đáo hạn phái sinh tới sớm vào 16/1/2025, tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và diễn biến không thuận từ các yếu tố liên thị trường ngắn hạn như sự bật tăng của DXY, trong khi các chỉ số chứng khoán toàn cầu chìm trong đà giảm dễ dàng khiến VN-Index nhanh chóng bị cuốn theo. Như vậy, chỉ số đã kết tuần giao dịch với nến giảm và phù hợp với kịch bản điều chỉnh và rung lắc đã được đề cập.
Do vùng hỗ trợ mạnh tại 1.250 - 1.260 điểm đang kiểm tra dở dang nên các cảnh báo nguy hiểm về xu thế ngắn hạn cần có thêm sự quan sát. Trong phiên giảm mạnh cuối tuần qua, áp lực xuất hiện chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là rổ VN30, rất phù hợp với những biến động thường thấy trước các đợt đáo hạn phái sinh khi dùng các trụ tạo biến động lớn. Chỉ báo tâm lý thị trường đà lan tỏa đã giảm về dưới 30% nhưng vẫn còn xa đáy cũ gần nhất quanh 10%. Rủi ro trong các diễn biến sắp tới phụ thuộc vào tín hiệu sập gãy xu thế ngắn hạn của thị trường và để điều này xảy ra, hiện tượng kéo đổ trụ cần được theo dõi chặt chẽ.
Ở kịch bản tích cực, các tín hiệu đồng thuận hoặc bắt đầu phân hóa dần và tạo đáy của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng sẽ là những gợi ý sớm cho sự kết thúc của nhịp điều chỉnh lần này. Dưới góc nhìn kỹ thuật, các nhóm cổ phiếu trụ hầu hết đang nhanh chóng trở lại vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn sau biến động giảm phiên 3/1, do đó, có thể sớm xuất hiện trạng thái “phản kháng” trong các phiên tới, từ đó hỗ trợ đáng kể cho chỉ số thị trường.
Chỉ báo định lượng đo trạng thái cung (đường thống kê 1 tháng) và cầu (đường thống kê 1 tuần) cũng như dịch chuyển của dòng tiền tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng cho tín hiệu tương tự.
Áp lực bán đang trên đà đạt tới cao trào, vì vậy, các hoạt động bán tháo nên cân nhắc chọn các thời điểm xuất hiện nhịp hồi phục của thị trường hoặc ít nhất các phiên hồi kỹ thuật của cổ phiếu để cơ cấu lại tỷ trọng. Các vị thế mua mới đang đứng trước thời cơ giải ngân thuận lợi khi giá đang xảy ra hiện tượng chiết khấu mạnh. Các nhóm cổ phiếu có động lượng tăng tốt, cấu trúc tăng đang vững vàng, nền giá ngắn hạn chặt chẽ và dư địa tăng hấp dẫn là những tố chất tạo nên một cổ phiếu tiềm năng sắp tới. Mùa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 chuẩn bị bước vào giai đoạn sôi động, hứa hẹn tạo ra những đột biến tích cực đối với các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt.