Biến đổi khí hậu đe dọa sự phát triển bền vững của con người

Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống và sự phát triển bền vững của con người, là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu đang tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà thế giới phải đương đầu. Những thay đổi này ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều cách, bao gồm sự gia tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng cao, hạn hán và lũ lụt. Bà Samantha Burgess, Giám đốc chiến lược khí hậu của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện những hành động khẩn cấp và thực chất trong năm 2025 để tránh “sự sụp đổ khí hậu”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng vấn đề về biến đổi khí hậu không còn là của tương lai xa mà là một cuộc khủng hoảng hiện tại, đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Những kỷ lục bị phá vỡ trong năm 2024 là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng cần phải hành động ngay lập tức.

Theo ông Guterres, năm 2025 sẽ là năm mang tính quyết định cho tương lai của hành tinh. Nếu không có hành động cụ thể và đồng bộ, các hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và khó có thể đảo ngược

Vì thế, ông Guterres kêu gọi: “Năm 2025, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chung tay để tạo ra sự thay đổi thực sự. Từng hành động nhỏ, từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đến việc ủng hộ các chính sách xanh, đều góp phần bảo vệ hành tinh cho thế hệ mai sau”.

Nhiều nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã được các nước đưa ra. Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan) cuối năm ngoái, 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải, như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Tháng 10-2024, Ratcliffe-on-Soar - nhà máy điện than cuối cùng của nước Anh đã chính thức đóng cửa. Sự kiện này đánh dấu việc nước Anh đi đầu trong quá trình chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch tại Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

Tuy vậy, vẫn có nhiều kho khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tại COP29, các quốc gia giàu có được kêu gọi cam kết tài trợ lên tới 900 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu. Một số quốc gia đang phát triển thậm chí đã yêu cầu khoản tài trợ lên đến 1.300 tỷ USD/năm, không bao gồm các khoản vay. Đây được coi là hành động thiết thực để kéo gần khoảng cách chuyển đổi xanh giữa các quốc gia vì các nước nghèo, các nước đang phát triển cần dồn nguồn lực của mình vào những mục tiêu cấp thiết hơn là chuyển đổi năng lượng xanh.

Tại COP29, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng giữa 200 quốc gia, các nước cũng chỉ đi đến được thống nhất với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035, thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Bà Tina Stege, Phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall cho rằng những nhóm lợi ích liên quan đến nhiên liệu hóa thạch “đã quyết tâm ngăn chặn tiến trình và làm suy yếu các mục tiêu đa phương mà chúng tôi đang nỗ lực xây dựng”.

Trên thực tế, các quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện than như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã thể hiện sự thờ ơ với “lời kêu gọi hành động” tại COP29. Cả ba nước này đều quyết định không ký vào bản cam kết, làm dấy lên nhiều nghi ngờ về khả năng loại bỏ nguồn nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hàng đầu này.

Ông Wopke Hoekstra, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cũng tỏ ra nghi hoặc về kế hoạch không xây dựng nhà máy điện than tại COP năm nay, dù cho chính tay ông đã ký vào bản cam kết. Ông Hoekstra cho rằng: “Cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cần được cụ thể hóa thành những hành động thực tế”. Bởi lẽ, dù đã có cam kết lịch sử việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất năng lượng tại COP 28 năm ngoái nhưng cho đến nay điện than vẫn đang được phát triển mạnh mẽ, chưa hề có dấu hiệu suy yếu.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt trong thế kỷ 21. Tác động của nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn đe dọa cuộc sống và sự phát triển bền vững của con người. Việc chống biến đổi khí hậu đòi hỏi sự nỗ lực và hành động phối hợp từ cấp độ cá nhân đến toàn cầu.

Sự tích tụ của khí nhà kính trong khí quyển, chủ yếu là do hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đã làm tăng hiệu ứng nhà kính. Hậu quả là nhiệt độ toàn cầu gia tăng, dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Chính vì thế, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một giải pháp quan trọng. Sử dụng năng lượng mặt trời, gió, và thủy điện không chỉ giảm thiểu lượng khí thải CO2 mà còn mang lại nguồn năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ và tái tạo rừng cũng đóng vai trò then chốt. Rừng không chỉ là "lá phổi xanh" của Trái Đất, giúp hấp thụ CO2 mà còn duy trì hệ sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học. Các quốc gia cần cùng nhau hợp tác để ngăn chặn nạn phá rừng và khuyến khích việc trồng cây xanh.

Vai trò của mỗi cá nhân cũng vô cùng quan trọng. Thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu sử dụng nhựa, tái chế và tiết kiệm năng lượng là những hành động nhỏ nhưng có tác động lớn, góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-de-doa-su-phat-trien-ben-vung-cua-con-nguoi-96160.html
Zalo