Biến đổi khí hậu có thể khiến Nhật Bản thiệt hại 6.000 tỷ USD

Những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu có thể gây ra mức thiệt hại 6.000 tỷ USD đối với Nhật Bản đến năm 2050.

Thiệt hại do động đất tại tỉnh Ishikawa thuộc miền Trung Nhật Bản hồi đầu năm 2024. Ảnh: Tân Hoa xã

Thiệt hại do động đất tại tỉnh Ishikawa thuộc miền Trung Nhật Bản hồi đầu năm 2024. Ảnh: Tân Hoa xã

Giai đoạn từ năm 2013 đến 2023, biến đổi khí hậu khiến Nhật Bản thiệt hại 90,8 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, báo cáo năm 2024 từ Phòng Thương mại quốc tế (ICC) - tổ chức phi chính phủ đại diện cho hơn 45 triệu doanh nghiệp tại hơn 170 quốc gia trên toàn cầu - ước tính con số này có thể tăng lên 952.000 tỷ yên (tương đương 6.000 tỷ USD) đến năm 2050. Theo tính toán năm 2024 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, giá trị danh nghĩa của toàn bộ nền kinh tế quốc gia này ở mức 591,9 nghìn tỷ yên.

Trong 1/4 thế kỷ vừa qua, Nhật Bản đã chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên, bao gồm trận động đất nghiêm trọng xảy ra tại bán đảo Noto ở tỉnh miền Trung Ishikawa hồi đầu năm 2024. Những cảnh báo vào mùa hè cùng năm về trận động đất ở Rãnh Nankai đóng vai trò như lời nhắc nhở về nguy cơ tiếp tục xảy ra nhiều thảm họa hơn trong tương lai.

Theo mô hình kinh tế mới do Nhóm nhà đầu tư châu Á về biến đổi khí hậu (AIGCC) công bố vào tháng 12-2024, biến đổi khí hậu dự kiến khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm gần 10%/năm.

Mặc dù dự đoán này khá ảm đạm nhưng Nhật Bản vẫn có tiềm năng đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong nước và toàn cầu khi xét đến tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng sạch như điện gió. Nếu đạt được kịch bản phát thải ròng bằng 0, nền kinh tế quốc gia này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 13,6 nghìn tỷ yên/năm vào năm 2050, đồng thời tiết kiệm được khoảng 40.000 tỷ yên/năm.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai trên thế giới, Nhật Bản đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng về Chỉ số rủi ro thiên tai (DRI) do công ty viễn thông toàn cầu Intersec công bố cuối năm 2024. Xếp hạng này dựa trên so sánh bình quân đầu người về số ca tử vong, thương tích và thiệt hại kinh tế do thiên tai tại gần 160 quốc gia từ năm 2000 đến năm 2024.

Nhật Bản có thể sẽ xếp hạng cao hơn nếu chỉ tập trung vào thiệt hại kinh tế bình quân đầu người, theo nhận định của Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Intersec Charlotte Cardona.

Báo cáo của Intersec cũng đề cập tới nhu cầu cấp thiết trong những nỗ lực tăng cường sự chuẩn bị, bao gồm việc đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng và các chiến lược ứng phó thảm họa. Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong giảm con số thương vong, tổn thất kinh tế và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương trước nguy cơ ngày một cao của thảm họa thiên nhiên.

Một nghiên cứu do ICC ủy quyền thực hiện cho thấy, gần 4.000 sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới từ năm 2014 đến 2023 khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2.000 tỷ USD. Trong năm 2024, tổng thiệt hại toàn cầu do thiên tai lên tới 320 tỷ USD (cao thứ năm tính từ năm 1980), với 140 tỷ USD được các công ty bảo hiểm chi trả.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bien-doi-khi-hau-co-the-khien-nhat-ban-thiet-hai-6-000-ty-usd-690321.html
Zalo