Biến cơ hội đầu tư thành hiện thực

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần góp đạt gần 38,23 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện của các dự án FDI ước khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023 và là mức giải ngân trong năm cao nhất từ trước đến nay.

Lũy kế đến ngày 31-12-2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 502 tỷ USD, trong đó vốn đã thực hiện khoảng 322 tỷ USD, tương đương 64% tổng vốn đăng ký.

Số liệu thống kê trên cho thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, đầu tư sụt giảm, Việt Nam vẫn thu hút được số vốn lớn của các nhà đầu tư quốc tế. Đáng nói hơn là không chỉ đăng ký, cam kết, nhà đầu tư đã hiện thực hóa bằng dự án, chuyển hóa vốn đầu tư thành nhà xưởng, máy móc, tạo ra việc làm, tài sản cho xã hội. Số vốn FDI giải ngân trong năm 2024 cao nhất từ trước đến nay đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư quốc tế với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định chủ trương, chính sách thu hút đầu tư đúng đắn và hơn hết là uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế, khu vực FDI luôn có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Chỉ tính trong năm 2024, khu vực này đóng góp hơn 290 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 12% so với năm 2023, chiếm hơn 71% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính chung, khu vực FDI xuất siêu hơn 49 tỷ USD, giúp bù đắp phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước, đưa cán cân thương mại cả nước xuất siêu 23,8 tỷ USD. Mặt khác, doanh nghiệp FDI còn “kéo, đẩy” doanh nghiệp trong nước thông qua hình thành chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ, phương pháp quản trị…

Thực tế, không phải tự nhiên nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến. Điều đó xuất phát từ nỗ lực ngoại giao kinh tế, là kết quả của việc cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh với tinh thần cùng thắng. Đó còn là việc tận dụng cơ hội và biến cả những thách thức thành cơ hội; là việc xây dựng một Việt Nam hòa bình, ổn định muốn làm bạn với tất cả các quốc gia; một Việt Nam năng động, đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng bắt kịp xu hướng thời đại, khát vọng vươn lên cùng thời đại. Đây cũng là những gì mà Việt Nam sẽ làm trong tương lai.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục chủ trương thu hút dự án FDI có chọn lọc, theo định hướng phát triển, đó là công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn, chuyển đổi số, thông minh; hàm lượng giá trị gia tăng cao, không gây ô nhiễm, thâm dụng lao động. Dự án FDI phải có tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Doanh nghiệp FDI có trách nhiệm với xã hội, với địa bàn đầu tư; nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, triển khai sớm dự án.

Muốn vậy, các cấp, ngành phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bao gồm cả việc hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển, vừa tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh để nhà đầu tư hoạt động ổn định, vừa đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện quy định, nghĩa vụ, sớm biến cơ hội đầu tư thành hiện thực. Trong quá trình vận hành dự án, các cấp, ngành thường xuyên đối thoại, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời xử lý những dự án không tuân thủ đúng quy định, cam kết, để bảo đảm sự công bằng với các doanh nghiệp khác.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bien-co-hoi-dau-tu-thanh-hien-thuc-689783.html
Zalo