Bị xử lý kỷ luật, đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 17/2, với toàn bộ 461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Lần sửa đổi này đã bổ sung quy định liên quan đến việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội.
![Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật. Ảnh: Như Ý](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_20_51498104/d6a13c291167f839a176.jpg)
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật. Ảnh: Như Ý
Luật vừa được thông qua quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Việc tạm đình chỉ được thực hiện khi đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can; trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định, kết luận về việc không vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu, hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Trong trường hợp bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Báo cáo tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định này nhằm cụ thể hóa Quy định số 148 của Bộ Chính trị về căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Đặc biệt, theo ông Tùng, do việc xem xét, quyết định tạm đình chỉ này có ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu Quốc hội, nên cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành thận trọng, cân nhắc kỹ, đúng quy trình, thủ tục, làm rõ căn cứ để xác định mức độ vi phạm của đại biểu Quốc hội trước khi có đề nghị. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định với từng trường hợp cụ thể.
Tại phiên thảo luận trước đó, một số ý kiến đề nghị thay cụm từ "Quốc hội họp bất thường" thành "Quốc hội họp không thường lệ" hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng cụ thể hóa quy định về "Quốc hội họp bất thường".
Qua đó, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ; kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp.