Bị 'xù' hợp đồng hàng loạt, DN hạt điều Việt Nam báo động đỏ
Hàng loạt doanh nghiệp hạt điều Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì bị các đối tác Tây Phi 'xù' hợp đồng, không giao hàng, thậm chí ép ký mua mới với giá cao ngất.
Trước tình cảnh hàng loạt doanh nghiệp hạt điều Việt Nam bị xù hợp đồng, lo thiếu hụt nguyên liệu chế biến xuất khẩu cho nửa cuối năm 2024, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức họp báo thông tin tình hình biến động thị trường hạt điều vào chiều 31-5.
Không chịu giao hàng, ép ký mới với giá cao
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, cho biết tình cảnh ngành điều đang "báo động đỏ". Theo đó, lượng nguyên liệu điều thô (hạt điều chưa tách vỏ) nhập khẩu chiếm tới 90% sản lượng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng.
Cụ thể, các hợp đồng doanh nghiệp Việt Nam ký mua điều thô từ các nước Tây Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria từ tháng 2, tháng 3-2024 sẽ giao hàng vào tháng 6 này bất ngờ bị đối tác “xù”, không giao hàng theo cam kết.
Số lượng hàng mà phía Tây Phi giao rất ít, chưa được 50% theo hợp đồng đã ký. Thậm chí, có doanh nghiệp Tây Phi ép doanh nghiệp hạt điều Việt Nam phải ký hợp đồng mới và đặt ra mức giá cao ngất ngưởng.
“Nếu đối tác không chịu giao hàng thì doanh nghiệp Việt Nam không có hàng để giao cho những nhà nhập khẩu điều nhân (hạt nhân điều đã tách vỏ) ở châu Âu, châu Mỹ… Lo nhất là quý III, quý IV năm nay sẽ không có hàng xuất khẩu. Từ đó bùng nổ tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà chiên rang hạt điều và siêu thị nước ngoài. Chúng ta có nguy cơ bị phạt hợp đồng, mất uy tín, mất thị trường xuất khẩu” - ông Họa lo ngại.
Theo ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), sản lượng điều thô nguyên liệu ở châu Phi và cụ thể là các Tây Phi có giảm nhưng không đáng kể.
Thế nhưng, một nhóm lợi ích gồm những thương nhân Bờ Biển Ngà đã lợi dụng thông tin này để đẩy giá lên, găm hàng, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp khác không chịu giao, cố tình làm khó doanh nghiệp Việt Nam.
Theo hợp đồng ký đầu năm, bạn hàng Tây Phi phải giao 52.000 tấn điều thô nhưng đến nay chúng ta chỉ nhận được 25.000 tấn. Số còn lại đối tác không giao hoặc ép mua giá cao, nếu không sẽ "xù" luôn hợp đồng.
“Có những container điều thô đã trên tàu giao, kiểm tra được thông tin nhưng họ không giao bộ chứng từ, chờ khách hàng mới mua giá cao thì họ bán luôn. Một số người bán điều thô khác đòi tăng giá cao, ép ký hợp đồng mua mới giá cao, mua hàng không đúng chất lượng cam kết. Chỉ một số ít doanh nghiệp uy tín họ cũng chỉ giao 20-25% lượng hàng theo hợp đồng” - ông Huyên bức xúc.
Tương tự, ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát, cho biết công ty dù đã lựa chọn những đối tác uy tín mới ký hợp đồng nhưng cũng chỉ nhận được 70% lượng hàng giao theo thỏa thuận. Với phần nguyên liệu còn lại, doanh nghiệp buộc phải mua với mức giá cao, tăng hơn 45% so với thời điểm ký hợp đồng vào tháng 2 đầu năm nay.
“Tôi làm ngành điều hơn 20 năm chưa thấy sự biến động về giá điều điên cuồng như vậy. Giá ký tháng 2, 3-2024 mới 1.050 USD/tấn thì tháng 5 đã tăng hơn 500USD/tấn lên mức giá 1.500-1.600 USD/tấn.
Đáng nói là một số khách hàng bán điều thô nguyên liệu không có đạo đức kinh doanh, họ ép doanh nghiệp phải mua với giá cao đó. Để giữ uy tín, có nguyên liệu giao hàng với những khách hàng mua điều nhân, chúng tôi vẫn phải mua, chấp nhận lỗ những lô hàng đó” - ông Uy chia sẻ.
Cảnh báo, tẩy chay những khách hàng bội tín
Mỗi năm, lượng điều thô nhập khẩu từ các nước Tây Phi rất lớn khoảng 2 - 2,5 triệu tấn điều thô, chiếm 70% trên tổng lượng nhập khẩu điều thô nguyên liệu của Việt Nam.
Nói về giải pháp ứng phó, ông Nguyễn Minh Họa - Phó chủ tịch Vinacas cho biết trước tiên hiệp hội cảnh báo doanh nghiệp hạt điều Việt Nam chủ động nguồn hàng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu với các khách hàng đã ký. Doanh nghiệp có thể thương thảo lại giá cả, lượng hàng đã ký.
Thứ hai, hiệp hội muốn thông tin cảnh báo những doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng thông tin cảnh báo của Bờ Biển Ngà dừng xuất khẩu điều thô để cố tình không giao hàng, đẩy giá cao, ép doanh nghiệp Việt Nam phải mua.
Giải pháp tới đây, Vinacas sẽ lập ra danh sách doanh nghiệp điều thô mất uy tín cho vào danh sách “đen” để cảnh báo cho cả ngành. Những doanh nghiệp Tây Phi nào không giao hàng, chúng ta sẽ tiến hành kiện ra tòa án quốc tế, giải quyết tranh chấp, để cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế những container hàng phải giao cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp hội cũng làm việc với Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Công thương) để có công văn gửi một số nước Tây Phi xem xét gỡ bỏ lệnh tạm ngừng xuất khẩu điều thô.
Lập đoàn công tác liên bộ hỗ doanh nghiệp hạt điều Việt Nam
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Vinacas cho biết sắp tới hiệp hội cùng các bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT… sẽ lập đoàn công tác để tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hạt điều Việt Nam; đồng thời đưa ra những giải pháp, chế tài đối với những đối tác mất uy tín.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas (đứng) đưa ra nhiều ý kiến để hỗ trợ các doanh nghiệp hạt điều Việt Nam
Để giải quyết những rủi ro cho tương lai, giữ vị thế xuất khẩu số 1 về nông sản, theo ông Nhựt Việt Nam cần phải giải bài toán nguyên liệu. Hiện nay, 90% nguyên liệu phải nhập khẩu chủ yếu từ châu Phi, Campuchia, trong khi điều thô trong nước chỉ chiếm 10%.
“Do vậy, Chính phủ, bộ ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm phát triển diện tích, cải tạo nâng cao năng suất điều tại Việt Nam để khuyến khích nông dân thấy lợi ích kinh tế khi trồng điều. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu bớt phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô nhập khẩu, gia tăng sản phẩm chế biến sâu, không bị khách hàng làm khó, ép giá ” - ông Nhựt kiến nghị.
QUANG HUY