Bí xanh thơm Ba Bể nguy cơ giảm diện tích do sâu bệnh hại

Bí xanh thơm được biết đến là cây trồng đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên vài năm trở lại đây cây bí xanh tại huyện Ba Bể xuất hiện bệnh sương mai, bệnh héo xanh, chết héo cây con khiến diện tích trồng giảm, nhiều hộ dân đang phải tìm cây trồng thay thế.

 Hiện tượng nghẹt rễ tại cây bí xanh thơm

Hiện tượng nghẹt rễ tại cây bí xanh thơm

Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn huyện Ba Bể trồng 160ha cây bí xanh thơm, đạt 106% kế hoạch. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, đêm và sáng sớm có sương lạnh làm cho sâu bệnh phát triển, nên nhiều diện tích bí đang ở giai đoạn sinh trưởng phát triển thân lá chuẩn bị leo giàn đã bị héo xanh, chết hàng loạt tại các xã trồng nhiều bí như: Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương, Thượng Giáo...

Chị Vy Thị Huyên, người dân thôn Nà Giảo, xã Yến Dương chia sẻ: "Năm nay nhà tôi trồng 800m2 bí xanh thơm nhưng đến giai đoạn leo giàn xuất hiện hiện tượng héo xanh, nghẹt rễ. Lúc đầu chỉ vài cây nhưng sau lan ra cả ruộng. Mặc dù đã sử dụng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không thể cứu được. Hiện tôi đã làm lại đất và trồng ngô thay thế vào diện tích trồng bí xanh".

 Các hộ dân tích cực thăm đồng, chăm sóc cây trồng.

Các hộ dân tích cực thăm đồng, chăm sóc cây trồng.

Không riêng nhà chị Huyên mà nhiều hộ trồng bí tại xã Yến Dương cũng đang chật vật vì dịch bệnh. Đây không phải là bệnh mới, nhưng bà con vẫn chưa tìm được loại thuốc đặc trị khiến việc trồng bí xanh trở nên khó khăn hơn. Chị Vy Thị Bê trú tại thôn Nà Giảo cho hay: "Năm ngoái nhà tôi cũng bị mất trắng hơn 1.000m2 trồng bí xanh. Cứ đến giai đoạn ra hoa, leo giàn là cây chết héo, nếu không thì cây cho quả là tự chết khiến gia đình bị thiệt hại khá nhiều. Năm nay tôi không trồng bí nữa mà quyết định trồng cây mướp đắng rừng, hy vọng sẽ khả quan hơn".

Chị Lý Thị Thu, thôn Khuổi Luổm, xã Yến Dương.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Yến Dương thông tin: Năm 2025 xã Yến Dương có 60ha diện tích trồng bí xanh thơm. Đây là cây trồng chủ lực của địa phương, tuy nhiên việc xuất hiện sâu bệnh hại khiến bà con lo lắng. Hiện nay, xã đã có văn bản đôn đốc bà con thường xuyên kiểm tra, xử lý khi xuất hiện sâu bệnh hại. Đối với những diện tích chết nhiều chủ động làm đất chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho kịp mùa vụ.

 Sử dụng ni lông phủ luống giúp hạn chế cỏ.

Sử dụng ni lông phủ luống giúp hạn chế cỏ.

Theo tìm hiểu, 3 năm trở lại đây cây bí xanh bắt đầu xuất hiện bệnh hại. Tuy nhiên năm 2025 được đánh giá là năm rất khó khăn do khí hậu khắc nghiệt, thời tiết hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Không chỉ cây bí xanh thơm mà các cây trồng như lúa, ngô, thuốc lá cũng bị ảnh hưởng. Để bảo vệ năng suất bí và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bà con cần tăng cường công kiểm tra, phát hiện và phòng trừ bệnh hại kịp thời.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, đối với bệnh sương mai cần ngắt bỏ thu gom và tiêu hủy lá già, lá bị bệnh để hạn chế bệnh lây lan. Phun ướt đều cả 2 mặt lá để phòng trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: Ridomil Gold 68WP, Dacoconil gold, Insuran 50WG, Aliette 800WG. Bệnh héo xanh phải vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ xới xáo và xử lý đất, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng. Tránh bị ngập úng trong mùa mưa. Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh để tránh lây lan, phun phòng bệnh bằng một trong các loại thuốc: Starsuper 20WP, Kasumin 2 SL…

Bệnh chết héo cây con (lở cổ rễ, héo tóp thân) cần vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ xới xáo và xử lý đất cho đất tơi xốp, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng. Luân canh với các loại cây trồng khác họ, khi phát hiện bệnh, có thể phun bằng một trong các loại thuốc như: Ridomil Gold 68WP, Tilt super 300 EC, Revus Opti 440SC./.

Triệu Hiển

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bi-xanh-thom-ba-be-nguy-co-giam-dien-tich-do-sau-benh-hai-post69990.html
Zalo