Bí thư Nguyễn Văn Nên: Đội ngũ trí thức là điểm tựa để TP.HCM phát triển

Theo Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đội ngũ trí thức là điểm tựa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển TP.HCM và kiến tạo tương lai.

Ngày 22-12, TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ tri thức năm 2024. Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Vì sao chưa thể thu hút nhân tài về khu vực công?

Chia sẻ tại hội nghị, GS Nguyễn Ngọc Trân đề nghị TP.HCM chăm chút, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong đó chú trọng đào tạo nghề vừa đáp ứng thị trường lao động vừa tạo dựng cho đất nước nguồn nhân lực có nền tảng khoa học.

 GS Nguyễn Ngọc Trân nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS Nguyễn Ngọc Trân nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Vấn đề thu hút nhân tài vào khu vực công, ông Trân đánh giá dù việc này đã được đặt ra từ lâu, đã có chương trình, đề án đưa cán bộ trẻ về tăng cường chính quyền các xã, có nhiều chế độ chính sách đã được áp dụng nhưng kết quả không được như mong đợi.

Ông lý giải một trong những nguyên nhân là những chính sách, chế độ được đề ra từ chủ quan của bên đề ra chính sách.

“Để tìm đúng điểm nghẽn cần lắng nghe từ phía đối tượng xem họ mong đợi gì, đánh giá kết quả công tác khách quan, minh bạch, con đường tiến thân trong công tác bình đẳng cho mọi người, không bị chi phối bởi hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ” - GS Nguyễn Ngọc Trân nói.

 GS Võ Văn Sen nêu ý kiến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS Võ Văn Sen nêu ý kiến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS Võ Văn Sen đánh giá một trong những nguyên nhân giúp TP.HCM ngày càng vươn mình phát triển là do lãnh đạo TP.HCM luôn coi trọng, tạo điều kiện và phát huy tối đa tài năng, sự đóng góp của đội ngũ trí thức.

Ông Sen đề nghị TP.HCM cố gắng phát huy các cơ chế đặc thù mà TP.HCM đang có sẳn. Cạnh đó, ông mong TP.HCM tạo điều kiện cho giới khoa học - kỹ thuật, khoa học - xã hội mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

“Hiện việc này còn ít, chỉ dừng lại ở việc làm quen chưa đi vào cụ thể, chưa có nhiều sản phẩm, chưa đi sâu vào những hợp tác thiết thực. Tôi mong có thêm cơ hội để nhà khoa học, trí thức được tiếp xúc và hợp tác với thế giới” - ông Sen gợi mở.

 GS-TS Đặng Lương Mô đề xuất ý kiến thu hút nguồn nhân lực Việt kiều. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS-TS Đặng Lương Mô đề xuất ý kiến thu hút nguồn nhân lực Việt kiều. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Để thu hút nguồn nhân lực Việt kiều, GS-TS Đặng Lương Mô mong TP tạo điều kiện, môi trường cho người tài cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm. Đồng thời, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng.

Theo ông, người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng.

Chung sức tạo hành lang cho đội ngũ trí thức cống hiến

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của các trí thức. Trong đó, với ý kiến thuộc TP.HCM thì có báo cáo cho lãnh đạo TP, phần nào vĩ mô thì tập hợp để báo cáo Trung ương.

Ngoài ra, ông đề nghị có diễn đàn, địa chỉ để nhận và phản hồi các ý kiến góp ý của nhà khoa học, trí thức; khi cần thiết thì tổ chức cuộc gặp từng nhóm, từng người để lắng nghe ý kiến xác đáng hơn.

 Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cảm ơn sự đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cảm ơn sự đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Nên, sự đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức là sự động viên, niềm khích lệ để TP.HCM ngày càng vươn lên. Ông cũng đánh giá những năm qua, mối quan hệ giữa lãnh đạo TP.HCM với đội ngũ trí thức ngày càng gắn bó.

Đội ngũ trí thức không ngừng lớn mạnh về số và chất lượng. Khi cần thiết thì họ sẵn sàng chia sẻ với TP. Đây là điểm tựa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển TP.HCM và kiến tạo tương lai.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Song song đó, ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận dù TP.HCM đã thể chế hóa nhiều cơ chế chính sách để thu hút tri thức nhưng vẫn cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn. Ông nêu một số hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện và đồng bộ, cơ chế chính sách còn thiếu hấp dẫn,…

 Lãnh đạo TP.HCM trao hoa tri ân đội ngũ trí thức, nhà khoa học có đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lãnh đạo TP.HCM trao hoa tri ân đội ngũ trí thức, nhà khoa học có đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo TP.HCM đã nhận thức và thấu cảm được những thách thức lớn hiện nay mà đội ngũ trí thức phải đương đầu.

“Có những thứ mà tự thân họ không thể vượt qua được và cần có sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Tất cả cùng chung sức đồng lòng với nhau để có cơ chế, chính sách tạo hành lang cho đội ngũ trí thức tiếp tục cống hiến” - ông nói và cho biết TP sẽ tiếp tục phát triển các đề án cụ thể, có cơ chế mang tính đột phát nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài.

 Bí thư Nguyễn Văn Nên trao hoa tri ân đội ngũ trí thức, nhà khoa học có đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bí thư Nguyễn Văn Nên trao hoa tri ân đội ngũ trí thức, nhà khoa học có đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định TP.HCM luôn tin tưởng sâu sắc vào trình độ, năng lực của đội ngũ trí thức hoàn toàn đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới để đồng hành cùng TP bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Có mô hình doanh nghiệp phối hợp giữa bệnh viện công và tư

Nêu ý kiến tại hội nghị, TS-BS Lê Quốc Sử, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, khẳng định TP.HCM là trung tâm y tế lớn của khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, ông nêu thực tế nhiều bệnh viện công của TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược,… đều đang trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.

TS-BS Lê Quốc Sử nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Y tế công không xoay sở kịp. Có những người bệnh phải chờ chụp MRi 4-5 ngày ở bệnh viện công. Trong khi đó, nhiều bệnh viện tư đầu tư máy móc rất lớn, nhưng không hoạt động hết công suất. Tại sao không hợp tác, mở dịch vụ chụp MRi cho bệnh viện công” - ông Sử gợi mở.

Ông Sử cũng đề xuất TP.HCM nghiên cứu mô hình doanh nghiệp phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Mục tiêu lớn là hình thành những trung tâm y tế có thể cạnh tranh trong khu vực.

“Chúng tôi cũng mong TP.HCM dành thời gian và định hướng cho y tế ngoài công lập để thực hiện hai đề xuất trên. Từ đó cân bằng lợi ích kinh tế và phụng sự bệnh nhân” - TS.BS Lê Quốc Sử nói.

*****

Phát động 'văn hóa đọc' không chỉ trên văn bản

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, văn hóa đọc hiện nay suy giảm nghiêm trọng. Ông nêu thực tế nhiều học sinh, sinh viên, giới tri thức không còn quan tâm việc đọc sách, đọc báo vì cho rằng tất cả đang trên có mạng xã hội.

“Bây giờ để tìm mua tờ báo cũng rất khó. Trước đây, khi tôi đi dạo ở hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đi một đoạn lại có một sạp báo nhưng bây giờ rất khó. Tôi phải nhờ anh xe ôm tìm giúp” - ông kể.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nêu ý kiến về văn hóa đọc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Qua đó, ông Nguyễn Đình Tư đề nghị TP.HCM phát động phong trào đọc sách, đọc báo rất rầm rộ, không chỉ trên văn bản. Cụ thể, các trường học cần có tủ sách phù hợp với từng lứa tuổi; bổ sung sách, báo cho các thư viện quận, huyện; tổ chức các giải thưởng khuyến khích đọc sách, báo; giải thưởng cho nhà xuất bản và tờ báo.

“Đọc sách giúp có kiến thức, kiến thức là mở đầu cho mọi thứ. Không có kiến thức thì không thể làm được gì cả” - ông Tư khẳng định.

Còn nhà văn Trầm Hương nêu vấn đề cần đưa văn hóa Việt ra thế giới và cần có chiến lược cụ thể. Theo bà Hương, hiện ở Việt Nam dịch nhiều sách nước ngoài ra tiếng Việt, nhưng rất ít sách tiếng Việt được dịch ra tiếng nước ngoài.

“Hơn 230.000 du học sinh ở nước ngoài là cầu nối lớn để đưa giá trị văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Để khai thác giá trị trí tuệ hữu hiệu thì đừng quên lực lượng trẻ, du học sinh” - bà Hương nói thêm.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-doi-ngu-tri-thuc-la-diem-tua-de-tphcm-phat-trien-post826300.html
Zalo