Bị 'thao túng tâm lý', nam sinh rơi vào vòng xoáy nợ nần 'không lối thoát'
T. bị lừa tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp và phải gánh chịu hậu quả nợ nần sau khi tin vào những lời hứa hẹn về thu nhập thụ động mà không hề biết mình đang bị thao túng.
Bị lôi kéo vào mạng lưới lừa đảo
Cuối tháng 10/2024, một vụ lừa đảo qua mạng đã khiến nam sinh N.T. ở Đà Nẵng rơi vào tình cảnh nợ nần hàng chục triệu đồng.
Sự việc tắt đầu khi người nhà của T. nhận được tin nhắn cầu cứu của nam sinh này. Theo đó, T. cho biết đang mắc nợ một khoản tiền vay qua mạng và cần nộp ngay 9 triệu đồng để tránh bị phong tỏa khoản vay.
Tuy nhiên, khi người thân của T. trực tiếp gặp mặt và tìm hiểu, sự thật mới được phơi bày. Nam sinh này bị lừa tham gia một mạng lưới bán hàng đa cấp, sau đó mắc món nợ lớn.
Câu chuyện bắt đầu vào giữa tháng 6/2024, khi T. thấy một bài đăng tuyển dụng nhân viên tư vấn bán hàng trên Facebook. T. liên hệ và được hướng dẫn đến một địa chỉ tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng.
Tại đây, T. được gặp O. và được O. thuyết phục tham gia bán hàng.
Ban đầu, T. chỉ mua một hộp kem đánh răng trị giá 180 nghìn đồng. Nhưng sau đó, T. bị thuyết phục và lôi kéo vào một hệ thống bán hàng đa cấp.
Tại công ty, T. được hứa hẹn rằng nếu tham gia vào mạng lưới, sẽ có cơ hội "độc lập tài chính", hưởng thu nhập thụ động qua việc mời người tham gia vào hệ thống và bán các sản phẩm.
T. được yêu cầu nộp tiền để được cấp mã ID, sau đó mới được tham gia vào các hoạt động kinh doanh và nhận hoa hồng.
Mặc dù T. không có đủ tiền, nhưng dưới sự thúc ép của nhóm người trong mạng lưới, nam sinh này đã vay mượn từ bạn bè, sử dụng tiền tiết kiệm và thậm chí xin tiền gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau như học phí, mua sách vở, học ngoại ngữ và nhiều lý do khác.
Sau khi nộp đủ 15 triệu đồng để nhận mã ID "Bạc", T. chính thức gia nhập vào hệ thống bán hàng đa cấp này. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, T. tiếp tục bị thúc ép nộp thêm tiền để nâng cấp mã ID lên mức "Vàng", từ đó mở rộng cơ hội kiếm tiền qua việc tạo thêm các mã ID dưới tên mình và mời gọi người tham gia vào hệ thống.
Vì trót "đâm lao", T. đã vay mượn tiền qua ví Momo và được người trong hệ thống chỉ dẫn cách vay tiền từ FE Credit để tiếp tục nộp tiền vào công ty.
Cuối cùng, T. đã vay gần 28 triệu đồng, và dùng toàn bộ số tiền này để tiếp tục "tích lũy" theo yêu cầu của công ty.
Sau khi đã nộp tổng cộng 30 triệu đồng cho công ty (bao gồm tiền mua các mã ID và các khoản chi phí liên quan khác), T. vẫn chưa thấy được lợi ích thực sự từ việc tham gia bán hàng.
Các hợp đồng, giấy tờ và các khoản tiền đã nộp T. đều không được giữ, trong khi "người tuyến trên" vẫn liên tục thúc ép T. nộp thêm tiền và không được phép tìm hiểu về "công ty" trên mạng.
"Nói không" với các mô hình kinh doanh không rõ ràng
Qua câu chuyện của nam sinh T., Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP.Đà Nẵng đã có những khuyến cáo quan trọng dành cho các bạn sinh viên nói riêng và người dân nói chung về những dấu hiệu nhận diện các hành vi lừa đảo qua mạng, đặc biệt là các chiêu thức của bán hàng đa cấp.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, đặc biệt là sinh viên, cần hết sức tỉnh táo và không tham gia vào những mô hình kinh doanh không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo, thao túng tâm lý như vậy.
Các dấu hiệu cảnh báo gồm việc yêu cầu nộp tiền để "mua mã ID", sự mập mờ về thông tin công ty, không cung cấp hợp đồng rõ ràng và không cho người tham gia tìm hiểu thông tin về công ty trên internet.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo qua mạng, sinh viên và người dân cần lưu ý những dấu hiệu bất thường trong các cơ hội làm việc, kiếm tiền hoặc đầu tư qua mạng.
Trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đặc biệt là các mô hình đa cấp, cần tìm hiểu kỹ thông tin và tham khảo ý kiến từ người có kinh nghiệm hoặc cơ quan chức năng.
Sự việc của T. là một bài học cảnh tỉnh đối với không chỉ sinh viên mà còn với tất cả những ai đang tìm kiếm cơ hội làm giàu nhanh chóng qua các chương trình không rõ ràng và thiếu minh bạch.