Bí quyết đưa Hàn Quốc thống trị bắn cung Olympic
Thành công của bắn cung Hàn Quốc tại các kỳ Thế vận hội mùa hè có thể so sánh với sự áp đảo của Mỹ tại nội dung bóng rổ nam.
Bắn cung Hàn Quốc kết thúc Olympic Paris 2024 với chiến thắng tuyệt đối, khi giành trọn bộ năm huy chương vàng. Nếu nhìn vào màn trình diễn tổng quan, đội bắn cung xứ kim chi còn trình diễn bộ mặt đáng sợ hơn.
Sự áp đảo
Tính cả nội dung cá nhân lẫn đồng đội, các cung thủ Hàn Quốc chơi 44 trận tại Olympic Paris, chỉ 5 lần thất bại. Thậm chí, trong 5 thất bại đó, chỉ 2 lần các cung thủ Hàn Quốc để thua những đối thủ nước ngoài.
Đó là khi Jeon Hun-young thua ở trận tranh huy chương đồng đơn nữ và Kim Je-deok thua ở tứ kết đơn nam. Ba thất bại còn lại của các cung thủ Hàn Quốc đều đến khi họ chạm trán đồng hương.
Hàn Quốc bắt đầu tham gia các nội dung bắn cung cá nhân ở Thế vận hội mùa hè kể từ năm 1984. Sau đó 4 năm, họ mới bắt đầu tham gia các nội dung đồng đội ở Olympic Seoul 1988.
Kể từ đó đến nay, Hàn Quốc giành 32 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 8 huy chương đồng tại bắn cung Olympic. Chiến thắng tuyệt đối tại Olympic Paris với 5 huy chương vàng thể hiện vị thế của Hàn Quốc tại môn thể thao này.
Bắn cung lần đầu xuất hiện ở Olympic kể từ năm 1900, và trong 124 năm tranh tài, ngoại trừ Hàn Quốc, Mỹ (14 HCV) và Bỉ (11 HCV), không có quốc gia nào khác trên thế giới giành nhiều hơn 7 HCV.
Các nữ cung thủ Hàn Quốc chưa bao giờ để vuột bất cứ tấm HCV đồng đội nữ nào, kể từ khi họ lần đầu tham dự nội dung này vào năm 1988. Ở nội dung cá nhân, các nữ cung thủ xứ kim chi cũng chỉ một lần để vuột tấm HCV kể từ lần đầu tham dự vào năm 1984.
Điều gì làm nên thành công của bắn cung Hàn Quốc, dù họ bắt đầu tham dự nội dung này muộn hơn nhiều quốc gia khác tại Olympic? Hàn Quốc có một hệ thống đào tạo và tuyển chọn vận động viên cực kỳ khắc nghiệt, được đánh giá vượt qua cả trình độ Olympic.
Bí quyết
“Đất nước chúng tôi có nhiều vận động viên bắn cung tuyệt vời, và chỉ những người giỏi nhất mới được dự Thế vận hội", Ki Bo-bae, người từng giành ba huy chương vàng Olympic, nói với KBS. "Họ được chọn từ những người giỏi nhất".
“Chỉ có khác biệt rất nhỏ giữa các vận động viên bắn cung ở Hàn Quốc, những người trải qua một quá trình tuyển chọn công bằng. Tất cả trải qua quá trình sàng lọc nhiều cấp độ để trở thành thành viên đội tuyển quốc gia và dự Thế vận hội. Tôi nghĩ đó là lý do chúng tôi giỏi như vậy”, Kang Chae-young đánh giá.
Kang Chae-young từng là thành viên tuyển nữ bắn cung Hàn Quốc tham dự Thế vận hội Tokyo, nhưng cô thất bại trong việc đại diện cho quốc gia thi đấu ở Olympic Paris 2024.
Ngay cả những người từng giành huy chương vàng Olympic cho Hàn Quốc cũng phải cạnh tranh từ con số không trước mỗi kỳ Thế vận hội. Điều này buộc các vận động viên phải liên tục trau dồi kỹ năng và đạt phong độ tốt nhất.
Cần nhớ rằng bắn cung không nằm trong nội dung bắt buộc trong các chương trình giáo dục chính thức của Hàn Quốc. Nhiều người dân Hàn Quốc thậm chí chưa bao giờ chạm vào cung tên trong suốt đời mình.
Đó là một môn thể thao đặc thù và kén người chơi, giống như ở nhiều quốc gia khác.
Hơn một thập kỷ trước, Reuters từng đưa ra một lý thuyết với tên gọi “ngón tay kimchi”, trong đó ám chỉ sự khéo léo của các cung thủ Hàn Quốc xuất phát từ việc sử dụng đũa nhiều lần.
Quan niệm này dễ dàng bị bác bỏ bởi Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất dùng đũa ở châu Á. Việt Nam, Nhật Bản hay Trung Quốc khó có thể so với Hàn Quốc ở nội dung bắn cung Olympic.
Trong suốt lịch sử, Trung Quốc chỉ giành được một huy chương vàng bắn cung Olympic, trong khi Nhật Bản chưa bao giờ giành được huy chương nào.
Một giai thoại khác cho rằng thành công của bắn cung Hàn Quốc nhờ vào tổ tiên của họ, khi vị vua đầu tiên của vương quốc Goguryeo cổ đại là bậc thầy về cung thủ.
Song, vương quốc này không còn tồn tại kể từ sau năm 668 sau Công nguyên. Rất nhiều quốc gia khác trên thế giới có tổ tiên của mình sử dụng cung tên làm vũ khí trong lịch sử.
Nhiều chuyên gia trên thế giới đều cho rằng thành công của bắn cung Hàn Quốc đến từ phương pháp đào tạo và kỹ thuật thi đấu. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự khổ luyện và sự cạnh tranh gay gắt của mỗi cá nhân, điều cũng giúp Hàn Quốc thành công ở nhiều môn thể thao đỉnh cao khác.
Brady Ellison, một cung thủ người Mỹ từng giành ba huy chương Olympic, tiết lộ cô cảm thấy kinh ngạc khi các VĐV Hàn Quốc "phải trải qua sáu tháng đào tạo chuyên sâu trước khi được bắn mũi tên đầu tiên".
Từ năm 2013, Hiệp hội bắn cung Hàn Quốc công bố một kế hoạch dài hạn nhằm phát triển tương lai, bao gồm việc lựa chọn và hỗ trợ các vận động viên trẻ có tiềm năng.
Các cung thủ có tiềm năng được lựa chọn đào tạo chuyên sâu từ năm 15 tuổi, với những trang thiết bị và phương thức đào tạo trước đây chỉ dành cho các tuyển thủ quốc gia.
Chiến lược đào tạo bài bản, nền kinh tế phát triển cùng văn hóa khổ luyện khắc nghiệt giúp Hàn Quốc thống trị nội dung bắn cung Olympic.
Giống như khi người Mỹ thường khoa trương rằng họ có thể giành HCV bóng rổ nam Olympic bất cứ khi nào họ muốn, Hàn Quốc cũng đang tạo ra cảm giác áp đảo tương tự ở môn bắn cung.