Bị phạt đến 6 triệu đồng khi dùng thẻ căn cước sai quy định, thông tin ai cũng nên biết để không mất tiền oan

Thẻ căn cước công dân chứa thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của pháp luật. Sử dụng căn cước công dân sai quy định, người dân sẽ bị xử phạt theo các mức cụ thể.

Các mức phạt liên quan đến thẻ căn cước công dân người dân cần biết

Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân. Dưới đây là các mức phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm.

Không đổi thẻ căn cước khi hết hạn có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

- Không xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử;

- Không nộp lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Sử dụng thẻ căn cước đã hủy có thể bị phạt đến 2.000.000 đồng

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

- Chiếm đoạt, sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Không nộp lại thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

Không nộp lại giấy chứng nhận căn cước khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc xác nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc xác định có quốc tịch nước ngoài.

Sử dụng căn cước công dân sai quy định, người dân sẽ bị xử phạt theo pháp luật. Ảnh minh họa: TL

Sử dụng căn cước công dân sai quy định, người dân sẽ bị xử phạt theo pháp luật. Ảnh minh họa: TL

Cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp thẻ căn cước có thể bị phạt đến 4.000.000 đồng

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:

- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.

Mượn, cho mượn thẻ căn cước có thể bị phạt đến 6.000.000 đồng

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Làm giả thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sử dụng thẻ căn cước công dân giả, thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại giả;

- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước;

- Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước;

- Mượn, cho mượn thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Ngoài hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền nêu trên, các hành vi vi phạm liên quan đến cấp, quản lý, sử dụng căn cước công dân, thẻ căn cước còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Có thể thấy so với quy định hiện hành tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt về các hành vi vi phạm không thay đổi.

Giá trị sử dụng của căn cước công dân

Giá trị sử dụng của thẻ CCCD

Thẻ căn cước công dân chứa thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của pháp luật về căn cước công dân. Căn cứ Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân như sau:

(1) Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

(2) Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

(3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin tại điểm (1) và (3).

Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Giá trị sử dụng của thẻ căn cước

Căn cứ quy định tại Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) thì thẻ căn cước sẽ chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người, trong đó:

- Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

- Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

Căn cứ Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước như sau:

- Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

- Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

- Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.

- Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bi-phat-den-6-trieu-dong-khi-dung-the-can-cuoc-sai-quy-dinh-thong-tin-ai-cung-nen-biet-de-khong-mat-tien-oan-172250207103521473.htm
Zalo