Bị mèo cào xước da, tử vong sau 6 tháng

Sáng 27/11, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại...

Bệnh nhân là bà V.T.T.D., (SN 1971, ở khu phố 2, phường Long Tâm, TP Bà Rịa). Ngày 20/11, bà D. sốt, đau họng, mệt mỏi nhưng vẫn đi làm bình thường. Đến khoảng 14h ngày 23/11, bà D. cảm thấy khó thở nên người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa, nhưng không tìm ra nguyên nhân bệnh.

Sáng sớm ngày 24/11, người nhà xin cho bệnh nhân chuyển tuyến lên Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Sau đó, người bệnh tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Hơn 2 tiếng sau, người bệnh tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán bệnh dại không đặc hiệu và được lấy mẫu xét nghiệm PCR virus dại.

Tài liệu tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm của bệnh dại khi chó, mèo cào, cắn.

Tài liệu tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm của bệnh dại khi chó, mèo cào, cắn.

Đến 22h cùng ngày, người nhà xin cho bệnh nhân xuất viện về Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục điều trị, với chẩn đoán theo dõi bệnh dại, viêm cơ tim cấp. Khoảng 1h30 ngày 25/11, người nhà xin Bệnh viện Bà Rịa cho bệnh nhân về nhà và bệnh nhân tử vong sau đó. Cũng trong ngày này, người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Theo thông tin điều tra dịch tễ, ngày 25/5, người phụ nữ này bị mèo cào vào cẳng chân, gây xước da chảy máu nhẹ. Người bệnh không đi tiêm vaccine sau khi bị mèo cào. Con mèo này cũng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Trước khi cào bà D., con mèo này còn cắn vào cẳng chân của chị V.T.T.L., (SN 1979, em gái sống cùng nhà với nạn nhân), với vết cắn sâu chảy máu nhiều.

Trong quá trình chăm sóc và chuyển viện, có 4 người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, trong đó có một người có vết thương hở tại bàn tay. Hiện chị L. và 4 người tiếp xúc gần đã được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh vào ngày 25/11, riêng chị L. có sức khỏe bình thường.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh dại rất nguy hiểm vì khi phát bệnh hầu như bệnh nhân tử vong. Nhưng bệnh dại có thể phòng ngừa khá hiệu quả bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại là do chủ quan không đến bệnh viện điều trị ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn…

Người bị vật nuôi trong nhà cào cắn chỉ đến bệnh viện khi chúng có biểu hiện lên cơn dại như hung dữ, chạy lung tung, sủa như rú, chảy nhiều nước dãi… Điều này rất nguy hiểm, vì một số trường hợp con vật đã mang virus dại mà không có biểu hiện điển hình, khi cắn người, virus dại sẽ theo nước bọt của chúng truyền sang nạn nhân.

Do vậy, nhiều người hay nghĩ chỉ có nguy cơ lây bệnh dại nếu bị chó, mèo mang virus dại cắn, nhưng có một số trường hợp, chỉ cần bị chúng cào, liếm vào vết thương cũng có thể lây bệnh dại.

Khi đã bị chó, mèo cào, cắn, dù vết thương thế nào người dân cũng cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng, dưới vòi nước sạch, sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc Povidone. Ngay sau đó phải đến bệnh viện để được bác sĩ khám, tư vấn và chỉ định tiêm ngừa dại kịp thời, phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm đối với từng loại vaccine dại và phác đồ tiêm. Lưu ý quan trọng, nếu tiêm không đủ liều thì nguy cơ lây nhiễm bệnh dại vẫn rất cao.

Sau tiêm ngừa, theo dõi con vật trong 10 ngày liên tục, nếu chúng lên cơn dại, chết hoặc bị mất tích cần báo ngay cho bác sĩ để có sự hỗ trợ kịp thời về tiêm kết hợp vaccine và huyết thanh...

Hoàng Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bi-meo-cao-xuoc-da-tu-vong-sau-6-thang-i751545/
Zalo