Khi ghé thăm các công trình kiến trúc cung đình ở cố đô Huế, nhiều du khách không khỏi choáng ngợp trước những chi tiết kiến trúc khảm sành sứ vô cùng lộng lẫy. Phía sau những mảnh vỡ muôn màu này là câu chuyện lịch sử thú vị ít người biết đến. Ảnh: Cổng Chương Đức ở Hoàng thành Huế.
Ngược dòng thời gian, nghề khảm sành sứ ở Việt Nam đã được nhắc đến trong sử sách từ thế kỷ 17. Giai đoạn phát triển phong phú và đạt đến đỉnh cao của của nghề này là vào cuối thời Nguyễn, từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ảnh: Bức bình phong khảm sành sứ ở Cơ Mật viện, Kinh thành Huế.
Phần lớn các công trình kiến trúc cung đình Huế trong thời gian này được khảm sành sứ. Các công trình sư thời bấy giờ xem các mảnh sành sứ như một giải pháp kiến trúc đặc sắc và nghệ thuật trang trí này cũng được đánh giá rất cao. Ảnh: Các chi tiết khảm sành sứ ở cổng cung An Định.
Các loại vật liệu dùng để khảm sành sứ được không được lựa chọn tùy tiện mà phải qua quá trình tuyển lựa khá kỹ lưỡng từ mảnh vỡ của những món đồ gốm có niên đại xa xưa. Vậy nguồn nguyên liệu đặc biệt cho nghệ thuật khảm sành sứ Huế có từ đâu? Ảnh: Các chi tiết kiến trúc khảm sành sứ ở điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế.
Theo bài viết “Nghề khảm sành sứ - Nghệ thuật từ mảnh vỡ...” đăng trên Cổng TTĐT Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong suốt thời Nguyễn và cả các thời kỳ trước đó, Huế là nơi giao thương buôn bán sầm uất giữa các nước trong khu vực. Ảnh: Các chi tiết kiến trúc khảm sành sứ ở Ngọ Môn, Hoàng thành Huế.
Lượng tàu thuyền đi lại cập bến ở sông Hương giai đoạn này nhiều không kể xiết. Chính vì vậy mà dưới lòng sông Hương lưu giữ một lớp trầm tích văn hóa vô cùng phong phú. Lớp trầm tích ít ai biết đến đó chính là những mảnh sành sứ, mảnh gốm có khi cả nghìn năm tuổi. Ảnh: Hình tượng rồng khảm sành sứ ở cổng Hiển Nhơn, Hoàng thành Huế.
Trong hàng thế kỷ, nhiều con tàu buôn chở đầy gốm sứ vì lý do nào đó bị chìm dưới lòng sông đã trở thành "mỏ" gốm sứ cổ. Các món đồ gốm sứ trong chúng được trục vớt, nếu nguyên vẹn thì có thể tái sử dụng, còn mảnh vỡ thì trở thành nguyên liệu cho các nghệ nhân khảm sành sứ. Ảnh: Hình tượng rồng khảm sành sứ ở điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế.
Mảnh vỡ của những loại đồ gốm, sành sứ lâu đời này được lựa chọn kỹ lưỡng theo mức độ quan trọng của công trình. Chẳng hạn nhà dân, mộ táng thông thường thì trang trí họa tiết đơn giản hơn đình chùa miếu mạo. Ảnh: Các họa tiết khảm sành sứ trong cung Thiên Định, lăng vua Khải Định.
Nếu là cung điện, đền đài, lăng tẩm của vua chúa thì lại càng cầu kỳ, phức tạp và các loại men khảm cũng đòi hỏi độ bền ưu việt hơn. Những công trình càng quan trọng, thì nguồn nguyên liệu để khảm “càng cổ càng tốt”. Ảnh: Mộ phần của vua Khải Định được phủ kín bằng các mảng khảm sành sứ .
Có thể nói, chính nhờ lượng lớn gốm sứ cổ xưa bị vùi lấp trong lớp trầm tích thời gian mà nghệ thuật khảm sành sứ cung đình nhà Nguyễn nói riêng và xứ Huế nói chung đã phát triển cực thịnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất Cố đô... Ảnh: Hình tượng rồng khảm sành sứ ở đình Trung Lập, cung An Định.
Mời quý độc giả xem video: Món ngon tiến vua ở xứ Huế / VTV Life.
Quốc Lê