Bí mật kim tự tháp Ai Cập: Thực hư thành phố 38.000 năm bị chôn vùi?

Thông tin về thành phố 38.000 năm bị chôn vùi dưới các kim tự tháp Ai Cập mới đây đã gây xôn xao giới khoa học. Tuy nhiên, tuyên bố bị hoài nghi vì công nghệ chưa được kiểm chứng.

Trong vài tuần gần đây, Internet xôn xao với những câu chuyện về một thành phố bí mật được cho là nằm bên dưới các kim tự tháp tại Giza.

Quần thể kim tự tháp tại Giza. Ảnh: Scitechdaily

Quần thể kim tự tháp tại Giza. Ảnh: Scitechdaily

Một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ hóa hữu cơ đã nghỉ hưu Corrado Malanga và chuyên gia cảm biến từ xa kiêm cựu giảng viên Filippo Biondi dẫn đầu tuyên bố đã phát hiện và tái dựng lại các cấu trúc khổng lồ có tuổi đời 38.000 năm, chôn sâu bên dưới kim tự tháp Khafre ở Giza.

Tại một buổi họp báo ở Italy, Malanga và Biondi công bố rằng nhờ phát triển một phương pháp độc quyền mới để giải mã tín hiệu từ radar khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar - SAR), họ đã phát hiện ra những cấu trúc nằm sâu 2km dưới kim tự tháp Khafre.

Theo đó, các nhà khoa học này đã tìm thấy 8 giếng sâu, được bao quanh bởi các lối đi hình xoắn ốc, kết nối đến hai cấu trúc hình khối lập phương cao 90m. Phía trên các giếng là 5 cấu trúc được nối với nhau bằng các hành lang.

Sử dụng những bản dựng được tạo bởi AI dựa trên dữ liệu radar, nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng đây có thể là một thành phố cổ huyền thoại, thậm chí là một công trình tạo năng lượng thời tiền sử.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra 8 cấu trúc hình trụ bên dưới kim tự tháp Khafre. Hình ảnh do AI dựng lại dựa trên dữ liệu radar. Ảnh: Daily Mail

Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra 8 cấu trúc hình trụ bên dưới kim tự tháp Khafre. Hình ảnh do AI dựng lại dựa trên dữ liệu radar. Ảnh: Daily Mail

Những tin đồn về các cấu trúc ẩn giấu bên dưới cao nguyên Giza không phải mới. Ý tưởng này xuất hiện từ thời sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus, rồi thỉnh thoảng lại nổi lên trong thời Trung Cổ và Phục Hưng.

Nó trở nên đặc biệt phổ biến vào thế kỷ 19 trong giới học giả Pháp và tiếp tục lan rộng trong thế kỷ 20 khi nhà ngoại cảm người Mỹ Edgar Cayce phổ biến giả thuyết rằng có một hội trường lưu trữ bí mật nằm bên dưới quần thể kim tự tháp.

Ý tưởng về một công trình tạo năng lượng, được người ngoài hành tinh xây dựng, cũng đã tồn tại từ lâu trong giới khoa học. Nó là một phần của thuyết âm mưu lớn hơn, cho rằng các công trình kiến trúc vĩ đại cổ đại là sản phẩm của người ngoài hành tinh chứ không phải con người.

Công nghệ chưa được kiểm chứng

Giả thuyết mới nhất về thành phố bí mật dưới kim tự tháp đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của công chúng do lý lịch học thuật của hai tác giả.

Trước đây, Malanga và Biondi đã công bố một bài báo khoa học về cấu trúc bên trong của kim tự tháp Khafre từng gây chú ý trong cộng đồng khoa học. Một trong 2 người này cũng rất nổi tiếng với những cuốn sách viết về người ngoài hành tinh.

Sự kết hợp giữa bằng cấp và công nghệ được cho là “mới” đã khiến nhiều người tin tưởng. Câu chuyện này lan truyền nhanh chóng.

TS. Flint Dibble, một nhà khảo cổ học nổi tiếng và là chuyên gia truyền thông khoa học, cho biết: “Những tuyên bố này được công chúng đón nhận vì họ đã quen với các câu chuyện về các buồng bí mật ẩn dưới kim tự tháp".

Dibble từng dẫn đầu dự án lập bản đồ kỹ thuật số 3D tại khu khai quật lớn ở Abydos, Ai Cập, và hiện giảng dạy tại Đại học Cardiff.

“Chúng trông có vẻ đáng tin nhờ sự pha trộn giữa công trình đã qua bình duyệt và học vị tiến sĩ của nhóm nghiên cứu", ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khác, giả thuyết về thành phố bị mất tích này gặp vấn đề lớn vì nghiên cứu dựa vào công nghệ chưa được kiểm chứng. Việc tái hiện dựa nhiều vào trí tưởng tượng và khớp với những gì khảo cổ học biết được về khu vực Giza.

Về phương pháp, như TS. Dibble và một số nhà khảo cổ học uy tín giải thích, công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) mà nhóm sử dụng chưa từng được xác nhận hay kiểm chứng độc lập.

Thông thường, SAR chỉ có thể dò được ở độ sâu vài chục mét dưới lòng đất trong điều kiện tương tự. Việc tuyên bố phát hiện cấu trúc ở độ sâu 2.000m là điều khó tin và khó hình dung.

TS. Dibble cho rằng, nghiên cứu này đã tránh né tất cả các dữ liệu khảo cổ học về cao nguyên Giza được thu thập một cách tỉ mỉ trong hai thế kỷ qua, như phân tích địa hóa, cảm biến từ xa vệ tinh, khúc xạ địa chấn, radar xuyên đất, từ kế...

Việc sử dụng AI để tái tạo hình ảnh từ dữ liệu radar là khả thi, nhưng dễ dẫn đến giải thích sai lệch nếu không có dữ liệu thực nghiệm bổ sung (như khoan mẫu, hiện vật). Các hình ảnh AI có thể tạo ra ảo ảnh hoặc hình dạng giả định, không phản ánh thực tế.

Nghiên cứu năm 2019 cho thấy mực nước ngầm tại Giza chỉ cách bề mặt vài chục mét, gây xói mòn cho tượng Nhân sư và các công trình khác. Một thành phố ở độ sâu 2.000m sẽ bị ngập nước. Nước ngầm sẽ phá hủy các cấu trúc qua hàng chục nghìn năm.

(Theo National Geographic, DailyMail)

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-mat-kim-tu-thap-ai-cap-thuc-hu-thanh-pho-38-000-nam-bi-chon-vui-2405252.html
Zalo