Bí mật hậu trường 7 nữ yêu nhện tinh xinh đẹp nhả tơ trong 'Tây Du Ký' 1986
'Tây du ký' phiên bản 1986 được xem là tác phẩm kinh điển của màn ảnh Hoa ngữ, sau gần 40 năm vẫn thu hút lượng lớn khán giả ở mọi lứa tuổi. Một trong những cảnh quay khá vất vả là tập ở Động bàn Tơ.
Trong phim "Tây Du Ký" phiên bản năm 1986, ở tập 21: Rơi nhầm động bàn tơ, cảnh quay bảy nữ yêu nhện tinh xinh đẹp nhả tơ, cuốn tơ... được sử dụng rất nhiều. Đây cũng là một trong những cảnh quay kinh điển của phim.
Việc quay phim "Tây Du Ký" bắt đầu vào năm 1982. Khi đó, công nghệ quay phim và thiết bị quay phim đều khá lạc hậu nên việc quay bộ phim truyền hình thần thoại "Tây Du Ký" là vô cùng khó khăn. Tuy điều kiện vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ cho những cảnh quay như thế này còn rất hạn chế, thiếu thốn và lạc hậu, nhưng đạo diễn Dương Khiết và ê kip sản xuất đã biết cách khắc phục là phải sử dụng đến kỹ xảo tại trường quay lẫn hậu kỳ để hoàn thành cho cảnh quay trên.
Để cho cảnh quay đạt được hiệu quả như mong muốn, là vừa phải sinh động, chân thực, vừa nhuốm màu sắc ma quái, kỳ ảo, đội kỹ xảo của đoàn "Tây Du Ký" đã phải lao tâm khổ tứ, suy nghĩ và tìm tòi đủ mọi cách.
Theo chia sẻ từ đoàn làm phim, hơn 30 năm trước tư tưởng của các diễn viên còn truyền thống, việc mặc những bộ trang phục hở nhiều da thịt không được đồng ý. Chuyên gia trang điểm phải thiết kế những miếng lót trông như da thật, bó sát vào người để các diễn viên nữ mặc.
Ngoài ra, cảnh các yêu tinh nhện phun tơ vào động để bắt giữ Đường Tăng cũng không đơn giản. Đầu tiên, đội ngũ sản xuất phải để hai diễn viên nam gầy gò là Diệp Nhất Manh, Từ Đình Lôi thay thế các diễn viên nữ trong phân đoạn quay cận cảnh bụng, lý do là các nghệ sĩ nữ không muốn đóng cảnh hở táo bạo như vậy ở thời điểm đó.
Việc làm phim viễn tưởng, thần tiên ma quái luôn đòi hỏi sức sáng tạo của các nhà làm phim, cảnh phun tơ cũng trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm. Cuối cùng đạo diễn Dương Khiết quyết định đính sợi tơ vào người diễn viên, sau đó có người ở phía đối diện rung tay, hậu kỳ sẽ chịu trách nhiệm nhả khói để đánh lừa ánh mắt khán giả và cắt ghép cảnh quay sao cho không bị lộ.
Trong cảnh bảy nữ yêu nhện tinh đồng loạt nhả tơ giam nhốt Đường Tăng, đầu tiên, đoàn phim tiến hành quay hình ảnh một bó tơ lớn bay trong gió, được tạo từ máy tạo gió công suất lớn. Trong quá trình quay, máy tạo gió được khởi động, kết hợp với việc tạo mây khói từ máy đốt băng khô. Việc này tạo ra hiệu quả đúng như mong đợi. Hơn nữa, động tác nhún nhảy vùng bụng của các nữ diễn viên khi "nhả tơ", nhịp điệu tay chân... cũng tạo ra cảm giác họ đang "nhả tơ" thật vậy.
Chiêu trò thay thế diễn viên nam đóng yêu tinh nhện còn được áp dụng ở cảnh tắm dưới nước. Đoàn làm phim để các nghệ sĩ nam quay cảnh tắm từ xa, tạo khói giả để che giấu. Cảnh cá vờn quanh chân diễn viên cũng được thay thế bằng chân của diễn viên nam có tên là Hạng Hán, anh còn là người phụ trách chỉ đạo võ thuật cho đoàn phim.
Trong cảnh Trư Bát Giới biến thành cá để đùa giỡn yêu tinh nhện, đạo diễn Dương Khiết chia sẻ bà lấy một con cá từ bếp ăn, buộc dây cước quanh mình và giật dây để cá chuyển động. Sau khi hoàn thành cảnh quay, bà trả lại cá cho nhà bếp. Thế nhưng, các diễn viên tham gia cảnh quay này vì biết sự thật nên không dám ăn canh cá vào bữa đó.
Có rất nhiều phương pháp dân gian kết hợp kỹ thuật máy móc, cùng với đó là đóng góp ý tưởng của nhiều người khi tham gia sản xuất "Tây Du Ký", nhờ vậy mà tuy không tốn nhiều chi phí nhưng các cảnh quay trông khá chân thực và hiệu quả khá tốt. Đây cũng là một phần lý do khiến "Tây Du Ký" trở thành kinh điển.
Trong điều kiện rất hạn chế, đoàn phim "Tây Du Ký" đã cố gắng hết sức để tạo nên hình ảnh hoàn hảo nhất có thể. Và cuối cùng đóng góp của họ cũng được khi nhận khi bộ phim được công chiếu hàng nghìn lần sau mấy chục năm vẫn được nhiều người yêu thích.
Tùng Lâm (t/h)