Bí mật hạnh phúc của bản làng Thái Hải
Sự thanh bình, niềm vui trong trẻo đáng ngưỡng mộ của 'Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022' là quả ngọt kết tinh từ giá trị tốt đẹp của con người, thiên nhiên và văn hóa cội nguồn xuyên suốt 21 năm gieo trồng.
Trưởng làng - Người “cầm đuốc”
Những năm đầu thập niên 2000, ở vùng An toàn khu Định Hóa (ATK), nhiều người Tày bắt đầu bán nhà sàn lấy tiền dựng nhà gạch. Cuộc sống hiện đại khiến tiếng nói, điệu ca đặc trưng dần mai một. Trước viễn cảnh văn hóa dân tộc bị “chảy máu”, cùng với những người đồng lòng, bà Nguyễn Thị Thanh Hải thế chấp hết tài sản ở thành phố Sông Công để mua lại 30 nhà sàn cổ.
700 ngày người dân “cõng” từng mảnh nhà trên lưng, vượt con đường gập ghềnh đất đá dài 60km từ bản cũ về khu đồi hoang ở xóm Mỹ Hào (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên) để tái thiết làng. Hết năm 2003, 28 ngôi nhà sàn cổ theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ, lợp mái lá cọ, theo triết lý âm dương ngũ hành đã hoàn thiện.
Những năm đầu, khó khăn bủa vây. Bà Hải luôn tiên phong, tự xắn tay đào đất, cõng con lên rừng trồng cây. Hình ảnh đó khiến bà con tin vào trưởng bản, tin vào tương lai nên bảo ban nhau cố gắng.
Có chí thì nên. Những luống rau xanh mơn mởn, nương lúa chín trĩu bông điểm xuyết trên mảnh đất ngày nào còn khô cằn. Nhiều năm ròng, nắng gió, khó khăn, thiếu thốn không bẻ gãy ý chí của người Tày nơi đây.
Vùng đồi hoang đã được phủ xanh thành bản làng đầy sức sống, nơi cư dân cùng vun đắp tình yêu thương và văn hóa dưới nếp nhà sàn cổ. Tất cả hòa mình vào cánh rừng xanh rì rào, tựa một bức thủy mặc hữu tình, bình yên.
Sở hữu tầm nhìn chiến lược, lòng quyết tâm sắt đá cùng tình yêu đồng bào tha thiết, mỗi quyết sách của bà Hải tạo nên một vận mệnh mới cho bản làng nghèo đói thuở nào. Trên hết, bà là thủ lĩnh tinh thần khiêm nhường, luôn cho dân làng điểm tựa để cùng lạc quan tiến về trước.
Bản làng đoàn kết, sắt son với nguồn cội
Ở bản Thái Hải, lịch sử hình thành đến dòng chảy phát triển đều gắn chặt với bảo tồn văn hóa dân tộc. Trong đó, giá trị văn hóa vật thể được phục dựng qua những nếp nhà sàn truyền thống và đồ dùng, nội thất. Xung quanh cái cối xay thóc, cối giã gạo bằng nước, bồ đan, giếng cũng bám sát cảnh quan cổ truyền.
Dưới mái nhà lợp lá cọ, văn hóa phi vật thể được truyền dạy qua sinh hoạt gia đình. Đủ tuổi mẫu giáo, trẻ em được ông bà, cha mẹ dạy giao tiếp bằng tiếng Tày. Lên 6 tuổi, các em được học hát then, đàn tính, chơi ném còn.
Ẩm thực, nghi lễ tâm linh thông qua đời sống hàng ngày, tài liệu ghi chép để trao cho lớp người sau. Trang phục truyền thống màu chàm được “cách điệu” đơn giản trên nguyên mẫu để thoải mái ứng dụng vào sinh hoạt, tạo thành hình ảnh đặc trưng bản sắc.
Trong không gian bản, một khu bảo tồn được xây dựng, quy hoạch theo nghề truyền thống để trưng bày, phát triển và tạo ra đội ngũ kế thừa giàu chuyên môn. Cụ thể, nhà Chè để trồng và chế biến chè xanh, nhà Thuốc bảo tồn, thu hái, cung cấp thuốc lá chữa bệnh cho người làng và khách khi cần, nhà Rượu để nấu rượu men lá chưng cất theo phương pháp truyền thống, trưng bày cho tham quan, nhà Bánh để nấu bánh chưng, bánh gai, chè lam, nhà Đan Lát làm ra các sản phẩm tre, nứa cho sinh hoạt, hàng lưu niệm…
Theo tư tưởng “chúng ta là một đại gia đình, ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền”, mỗi người tự giác đảm nhận công việc được phân theo năng lực. Với nhóm công việc mới như hướng dẫn viên, nhân viên pha chế, nhân viên bán hàng lưu niệm…, tất cả dân bản cũng hăng hái tham gia. Không phân sang kém hay so bì.
Toàn bộ khoản thu từ hoạt động nông nghiệp hay du lịch sẽ góp về quỹ chung của làng. Nguồn “ngân sách” này sẽ được trích lại cho chi phí học tập của con trẻ, chi phí hôn sự hay sinh hoạt thường ngày của dân làng. Cơm ba bữa, cả làng ăn chung. Chẳng ai phải nghĩ đến tiền hay canh cánh nỗi lo chăm nom gia đình. Trái tim hẳn bởi thế, hân hoan hơn, rộng rãi hơn. Lớp trẻ con nhìn người lớn, noi theo. Ai nấy đều biết thương yêu nhau.
Điều đáng quý ở bản Thái Hải là sự chú trọng giáo dục cho thế hệ sau. Làng cất trường, đảm bảo tất cả trẻ em đều được đi học. Tùy theo khả năng, các em về làm nghề, hoặc được khích lệ theo đuổi chương trình đại học, cao học dựa trên quỹ làng. Những đứa trẻ nhớ nguồn, chu du vạn dặm đều tự nguyện quay về.
Cả 4 bạn sinh viên được trưởng bản cho đi du học nay đã góp thêm năng lực ngôn ngữ, tư duy mới về xây dựng bản làng thêm trù phú. Hàng năm, nhiều nhân sự trong làng tích cực tham dự các lớp tập huấn của tỉnh để nâng cao kinh nghiệm đón, dẫn khách, phát triển dịch vụ du lịch. Hiện, bản Thái Hải đã có 4 hướng dẫn viên chính có khả năng nói tiếng Kinh, tiếng Anh và tiếng Trung thành thạo.
Thuận hòa cùng tự nhiên, đổi mới bền vững
Năm 2014, Thái Hải trở thành khu du lịch của Thái Nguyên, bắt đầu chào đón người bên ngoài tới bản. Từ những ngày đầu mày mò làm du lịch, bà Thanh Hải đã định hướng phát triển dựa trên nguồn lực của bản với 3 sản phẩm chủ lực là kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của người Tày. Tức, lấy cây nhà lá vườn mời khách, lấy người mình đón khách.
Tuy nhiên, mọi việc đều gắn với giữ gìn mảng xanh, bảo tồn văn hóa. Vì người Tày từ xa xưa luôn biết ơn tự nhiên cho họ lương thực sạch để cơ thể khỏe mạnh, lá thuốc chữa bệnh, bầu không khí trong lành để tinh thần luôn lạc quan. Một thập niên làm kinh tế du lịch, người bản Thái Hải luôn chú trọng mở rộng thêm nương đồi, vườn cây, chăm nom cánh rừng tươi tốt với tổng diện tích gần 25 hecta.
Nguồn lương thực sạch cùng cách sử dụng thực phẩm cân bằng âm dương mang lại cộng đồng sức khỏe, thể chất tốt. Nước uống cũng được khai thác từ nguồn suối sạch, xử lý cẩn thận. Người Tày ăn gì mời khách ăn nấy. Do đó, ẩm thực luôn do chính bà con tự sơ chế, nấu đúng hương vị truyền thống.
Với giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng năm 2022, lượng khách du lịch thêm đông. Để thích nghi và đáp ứng tốt trải nghiệm cho khách, người dân luôn lắng nghe, tìm giải pháp cải tạo, đổi mới hợp lý. Họ bổ sung thêm các khu dịch vụ với nhà lá dài gần 100m, nằm ven hồ để tổ chức sự kiện ngoài trời. Một khu nhà dài để phục vụ ẩm thực cho khách đoàn lớn và một khu ngăn nhỏ nhiều gian cho khách ít người.
Ẩm thực cũng phong phú hơn, nay được biết có hơn 100 món ăn như khâu nhục, lợn quay nguyên con, thịt trâu nướng, thịt trâu xào mẻ, gà nướng mộc, canh gà nấu gừng mẻ, cá chép om mẻ, cá nướng than hoa, cá om măng chua, ốc xào măng chua, nộm hoa chuối rừng, xôi ngũ sắc… 2022, cầu vàng, cầu bạc được xây dựng, tạo thêm điểm vãn cảnh. 2023, không gian tết Tày đi vào hoạt động. 2024, dịch vụ ngâm chân lá thư giãn góp thêm nét mới.
Các lễ hội lớn như Lễ hội Lồng Tồng tháng giêng, Lễ Biết Ơn rằm tháng 7, Lễ Cúng Mụ nay cũng được tổ chức bài bản, mở cửa cho người dân đến gần nét đẹp văn hóa người Tày.
Tất thảy, dù thay đổi, vẫn bám vào phong tục tập quán, thân thiện với môi trường. Chiến lược này không chỉ giúp họ xây dựng nguồn lực mạnh mẽ, tối ưu chi phí ở nội khu và hơn hết, duy trì môi trường sống an nhiên, lành mạnh cho bà con và khách du lịch.
Nuôi dưỡng từ những giá trị tốt đẹp, cộng đồng bản Thái Hải như chiếc cây chắc rễ, dù phát triển hơn về quy mô, chào đón hàng nghìn khách đa quốc tịch, sát nhập thêm nhiều nhóm dân tộc vẫn không mất đi căn tính. Đến nay, theo chị Lê Thị Nga (hiện là phó bản) ước tính: “Hiện, cả bản có tất cả 30 hộ với 202 nhân khẩu, và có thêm 4 nhóm dân tộc cùng sinh sống là người Kinh, Nùng, Sán Chay, Dao”.
Sau 21 năm phát triển, Thái Hải trở thành một biểu tượng nhân văn cho tình đoàn kết, sức sống giá trị truyền thống và hạnh phúc thuần khiết được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương giữa con người, thiên nhiên.