Bí mật đoàn tàu không số và ký ức bến K15

Vượt qua mọi khó khăn, cái chết rình rập và cả chính mình, những trái tim quả cảm của đoàn tàu không số cùng bến K15 đã góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, từng dòng người lại trở về Bến tàu K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) đễ dâng hương, tưởng niệm những người lính từng ra khơi trên đoàn tàu không số. Họ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cùng các đại biểu ghé thăm Bến tàu không số K15 nhân sự kiện 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021). Ảnh: ĐS

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cùng các đại biểu ghé thăm Bến tàu không số K15 nhân sự kiện 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021). Ảnh: ĐS

Con tàu đặc biệt với nhiều quy ước Không

Đêm 11/10/1962, tại Vạn Xép (Đồ Sơn, Hải Phòng), chiếc tàu gỗ đầu tiên mang mật danh Phương Đông 1 chở theo 30 tấn vũ khí đã âm thầm rời bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) thực hiện sứ mệnh cao cả, chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ.

Chuyến tàu đầu tiên mang mật danh Phương Đông gồm 13 chiến sĩ miền Nam tập kết nhận nhiệm vụ vận chuyển và bảo vệ 30 tấn vũ khí bí mật vào Cà Mau.

Bến K15, nơi khởi nguồn cho đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Bến K15, nơi khởi nguồn cho đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Để giữ bí mật tuyệt đối, mọi thành viên trên tàu không số phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước đặc biệt như "Việc làm của ai, chỉ có người đó biết; người không biết không được hỏi, người được hỏi có biết cũng không được trả lời". Còn với các chiến sĩ, trước khi xuống tàu, phải để lại mọi giấy tờ tùy thân trên bờ bởi phòng khi bị địch phát hiện, họ sẵn sàng cảm tử bằng kích nổ con tàu, bảo toàn bí mật.

Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, gặp vô vàn sóng to, gió lớn và cả sự phong tỏa của giặc trên biển cũng như trên bờ, đến ngày 19/10 tàu đến cửa Bồ Đề và cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Toàn bộ 30 tấn vũ khí đã được chuyển giao an toàn cho bộ đội quân khu 9, mở ra huyền thoại "Đường Hồ Chí Minh trên biển".

Những chuyến tàu mang sứ mệnh đặc biệt

Sau chuyến đi, bến K15 đã trở thành nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của "Đoàn tàu không số". Nhờ có vị trí kín đáo, địa hình hiểm yếu nằm dưới chân đồi Nghinh Phong (phường Vạn Hương, Đồ Sơn), bến K15 thuận lợi cho việc tập kết và xuất phát tàu trong điều kiện chiến tranh khốc liệt.

Những chuyến tàu đặc biệt cứ âm thầm nối nhau ra khơi giữa đêm tối. Tùy vào mỗi chức năng, nhiệm vụ của mỗi chuyến đi, tàu sẽ cập các cảng khác nhau nhưng hàng hóa đều là vũ khí.

Nhìn hình ảnh con tàu không số, bác Khảm lại nhớ về thời bom đạn "vào sinh ra tử" của mình và đồng đội.

Nhìn hình ảnh con tàu không số, bác Khảm lại nhớ về thời bom đạn "vào sinh ra tử" của mình và đồng đội.

Từng "vào sinh ra tử" trên những chuyến tàu không số từ bến K15, bác Lê Xuân Khảm (thợ máy tàu C69) - cựu chiến binh Đoàn tàu không số hiện đang sống ở Cát Bi, quận Hải An kể:

"Trước tháng 2/1965, các chuyến đi của Đoàn tàu không số diễn ra trong đêm, bởi kẻ địch chưa phát hiện có tuyến đường chi viện từ biển của phía ta. Nhưng sau sự kiện Vũng Rô (2/1965), mọi thứ thay đổi, gian nan và nguy hiểm bội phần và những con tàu trên biển trở thành mục tiêu truy lùng gắt gao của địch. Do đó, mỗi đợt tàu chuẩn bị ra khơi đều phải có 1 tàu đi trinh sát trước. Tổng cộng tôi tham gia 3 chuyến, trong đó có một chuyến trinh sát và 2 chuyến chở vũ khí hạng nặng vào miền Nam.

Chuyến tàu đặc biệt và cũng là chuyến tàu cuối mà tôi tham gia, đó là tàu C69. Tôi nhớ mãi, tháng 3/1966, do nhu cầu của chiến trường miền Nam cần nhiều vũ khí để mở các chiến dịch lớn nên tàu C69 được giao chở toàn vũ khí hạng nặng vào đó. Sau khi ra khơi, tàu đã bị địch bám sát liên tục (từ vùng biển của Trung Quốc đến ngang với Côn Đảo), nhiều chuyến bị địch bám riết phải quay trở về để đảm bảo an toàn. Trong ý chí mỗi người lúc xuống tàu, chỉ nghĩ tới một điều duy nhất, bảo vệ thật tốt hàng hóa vũ khí quân sự; nếu không may bị địch bao vây thì phải cho nổ tàu"– bác Khảm chia sẻ.

Theo bác Khảm, những chuyến tàu "đặc biệt" ấy, bất cứ ai đặt chân lên con tàu không số đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp, hình thức "kỷ luật sắt". Những chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ chỉ được biết cử đi tham gia công tác đột xuất, thực hiện lệnh "cấm trại" đặc biệt của chỉ huy tàu và các bến cho đến ngày chiến tranh kết thúc.

Với họ, mỗi lần nhận nhiệm vụ chở hàng thực sự là một lần "vào sinh ra tử", xác định không biết khi nào có thể gặp lại. Có lúc phải đi vòng theo đường hàng hải quốc tế qua Philippines sang Indonesia, Hong Kong rồi vào Vịnh Thái Lan để tránh sự kiểm soát của địch. Thậm chí, tàu phải ngụy trang, luôn đặt mình trong nguy cơ bị phát hiện để nâng cao cảnh giác và tinh thần chiến đấu, hy sinh. Trên mỗi con tàu luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ, nếu bị phát hiện và không thể chạy thoát, chỉ huy tàu nhất quyết phải đánh thuốc nổ để phá tàu nhằm không để vũ khí rơi vào tay kẻ địch, đồng thời phá hết dấu vết, không để lộ bí mật.

Bến K15 trở thành nơi khởi nguồn Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bến K15 trở thành nơi khởi nguồn Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sau những chuyến đi đó, để tăng hiệu quả vận tải, những con tàu gỗ được thay thế bằng tàu sắt lớn hơn, vững vàng hơn. Tổng cộng phía mình đã đóng được 15 tàu sắt mới. Ngày 17/3/1963, chuyến tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí đã rời Vạn Xép – bến K15 cập bến Trà Vinh thành công.

Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh… Đã có hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Cũng trong thời gian này, từ bến K15 Đồ Sơn, những đoàn tàu không số đã vượt qua 65.721 hải lý, vận chuyển thành công hơn 80.000 cán bộ, chiến sỹ và 156.900 tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa... chi viện cho chiến trường miền Nam. Bến cảng này trở thành nơi có số lượt xuất phát nhiều nhất trên toàn tuyến đường biển.

Cũng từ đó, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, quân và dân có thêm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để thực hiện nhiệm vụ "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Nhường nhau cả sự sống

Theo những cựu chiến binh của Đoàn tàu không số, có những ngày tàu lạc bến, có những ngày tàu hỏng máy thả trôi, lênh đênh cả tháng trên biển, lương thực, nước ngọt có hạn. Gặp tàu buôn, tàu đánh cá nước ngoài không dám gọi cấp cứu. Trong những ngày khó khăn đó, vừa đói, vừa khát, vừa mưa, vừa nắng, chẳng may có ai hy sinh đành cho vào bao nilong đặc biệt, cổ túm lại, thả xuống biển, thế là vĩnh biệt nhau...

Bác Lưu Công Hào kể lại trận đánh ác liệt trên biển giữa tàu C43 với quân địch suốt 1 giờ đồng hồ.

Bác Lưu Công Hào kể lại trận đánh ác liệt trên biển giữa tàu C43 với quân địch suốt 1 giờ đồng hồ.

Cùng tham gia hành trình cùng đoàn tàu không số, bác Lưu Công Hào ở đường Mạc Đình Phúc (phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng) - cựu chiến binh tàu C43 bồi hồi nhớ lại: Tháng 2 năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, tôi được điều về làm nhiệm vụ ở Đoàn tàu không số nhưng chưa được xuống tàu ngay. Trong quá trình này, tôi được đào tạo, tập huấn các công việc liên quan đi biển. Đến năm 1968, chuyến tàu đầu tiên tôi được tham gia là C43, xuất phát từ Hải Phòng chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Tàu của tôi có tổng cộng 17 người, tôi ít tuổi nhất. Khi đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi, tàu của chúng tôi bị địch phát hiện bao vây.

"Đến giờ mãi không quên trận đánh ác liệt giữa tàu C43 với quân địch trên biển ròng rã hơn 1 giờ đồng hồ. Có lúc cảm thấy căng thẳng tột độ, chỉ một lòng xác định phải bảo vệ hàng hóa đến cùng dù có phải hy sinh. Chúng tôi đã quả cảm chiến đấu không ngừng nghỉ, bắn cháy một tàu và bắn rơi một trực thăng của địch. Tổn thất chuyến đó vô cùng lớn khi cả tàu có 3 người hy sinh, 11 người bị thương, gần như không còn khả năng chiến đấu. Trước nguy cơ tàu sắp hết đạn và chuẩn bị chìm, chúng tôi được lệnh rời C43 và phá hủy con tàu nhằm bảo toàn bí mật.

Rất may lúc đó, tàu cũng đã gần bờ nên những người còn sống cũng đã được người dân địa phương cứu vớt, đưa xuống hầm bí mật che giấu. Sau 10 ngày, tôi được người làng chuyển lên bệnh xá và được bác sĩ Đặng Thùy Trâm trực tiếp điều trị", bác Hào nghẹn giọng nhắc lại.

Mỗi lần vào ngày "giỗ tàu" V645 và là ngày giỗ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Hiệu, bác Năng lại nghĩ về những thời khắc nhường sự sống cho nhau của đồng đội mình.

Mỗi lần vào ngày "giỗ tàu" V645 và là ngày giỗ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Hiệu, bác Năng lại nghĩ về những thời khắc nhường sự sống cho nhau của đồng đội mình.

Bần thần nhớ lại khoảng thời gian này của 53 năm trước (ngày 24/4/1972), ngày con tàu V645 kết thúc sứ mệnh của mình trên biển cùng những đồng đội quả cảm, bác Thẩm Hồng Năng (lái tàu V645) xúc động, chia sẻ: Ngày 12/4/1972, tàu 645 rời bến, mang theo hàng trăm tấn đạn pháo hỗ trợ chiến trường miền Nam, cập bến Koh Kong (Campuchia) nhưng bị địch truy đuổi gắt gao.

Sáng 24/4/1972, tàu bị tấn công dữ dội, 5 chiến sĩ hy sinh, tôi bị thương nặng khi đang lái tàu. Trong giây phút sinh tử, anh Nguyễn Văn Hiệu (người Thủy Nguyên) – chính trị viên của tàu đã yêu cầu mọi người rút lui để mình anh ở lại, kích nổ tàu để bảo vệ bí mật. Lúc đó, tôi nói với anh Hiệu "Em chưa có gia đình, anh còn vợ con ở nhà. Hãy để em ở lại tàu kích nổ. Anh Hiệu thấy tôi nói vậy, liền thuyết phục "Anh bơi giỏi, chú bị thương nên cứ rời tàu trước đi. Anh sẽ bơi theo sau, kịp với chú". Rồi không để tôi nói, anh Hiệu đã đẩy tôi xuống biển, còn anh quay lại vào trong tàu. Chỉ vài phút sau, tàu V645 nổ tung, anh Nguyễn Văn Hiệu đã anh dũng hy sinh cùng con tàu. Đến giờ, mỗi dịp giỗ anh và con tàu V645, những cựu chiến binh Đoàn tàu không số lại tề tựu sang nhà anh Hiệu ở phố Trần Khánh Dư thắp hương, gặp mặt nhau.

Những cựu thành viên Đoàn tàu không số gặp mặt thường niên, ôn lại kỷ niệm cho nhau.

Những cựu thành viên Đoàn tàu không số gặp mặt thường niên, ôn lại kỷ niệm cho nhau.

Hơn 60 năm đã trôi qua, giữa muôn trùng sóng gió, hình ảnh và những câu chuyện của đoàn tàu không số vẫn hiển hiện trong ký ức dân tộc như biểu tượng bất khuất của lòng quả cảm, sự hy sinh thầm lặng và niềm tin tuyệt đối vào ngày toàn thắng của đất nước. Hành trình ấy không thể kể hết được biết bao nhiêu mất mát, hy sinh, biết bao nhiêu các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi nằm lại với biển xanh bao la.

Để tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ tàu không số, Thành phố Hải Phòng đã xây dựng tượng Đài tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến tàu K15.

Năm 2008, bến tàu K15, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Bà Lưu Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Du lịch quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng, cho biết: Trung bình mỗi năm, tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển và di tích bến tàu K15 Đồ Sơn đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng bổ ích cho các thế hệ trẻ hôm nay nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ hào hùng. Các trường học đến với K15, ngoài thăm quan, học tập về lịch sử, còn tổ chức các sự kiện kết nạp Đội viên, Đoàn viên vô cùng ý nghĩa.

Minh Lý - Tiến Sinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-mat-doan-tau-khong-so-va-ky-uc-ben-k15-169250424194536556.htm
Zalo