'Bí kíp sinh tồn' cho tân sinh viên: Quên gì đừng quên sinh hoạt công dân đầu khóa
Dưới đây là những lời khuyên quý báu từ các anh chị đi trước, giúp các bạn tân sinh viên tận hưởng những năm tháng đại học một cách trọn vẹn.
Không bỏ lỡ buổi sinh hoạt công dân đầu khóa
Sinh hoạt công dân đầu khóa là một hoạt động bắt buộc tại hầu hết các trường đại học, cung cấp cho tân sinh viên những thông tin quan trọng về quy định và kế hoạch đào tạo.
Bạn Thanh Trang (sinh viên vừa tốt nghiệp), chia sẻ: "Buổi sinh hoạt công dân đầu khóa sẽ giúp tân sinh viên hiểu biết hơn về trường, nắm bắt các thông tin về khoa, ngành, giải đáp thắc mắc về cách thức tính điểm học tập, điểm rèn luyện. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để sinh viên làm quen với bạn bè."
Để thu hút và tạo sự hấp dẫn cho sinh viên, chương trình thường đi kèm với các hoạt động âm nhạc và trò chơi giao lưu thú vị. Vì vậy, các tân sinh viên nên kiểm tra kỹ email từ nhà trường để không bỏ lỡ những thông tin quan trọng.
Chủ động "bắt nhịp" với vai trò mới
Cuộc sống đại học đòi hỏi sự chủ động hoàn toàn, khác biệt hẳn so với thời học phổ thông. Nếu không tự trang bị cho mình những thông tin cần thiết, tân sinh viên dễ rơi vào tình trạng chậm thích nghi.
Ngoài việc nắm vững số lượng tín chỉ, thời khóa biểu, và các môn học, bạn cần chủ động lập kế hoạch cho toàn bộ thời gian học, từ hoạt động ngoại khóa, công việc làm thêm đến việc tham gia câu lạc bộ.
Chinz (sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa) chia sẻ kế hoạch cá nhân: "Năm nhất và năm hai mình dành nhiều thời gian cho việc học tập và vui chơi, khám phá những nơi mà ở quê không có. Điều này giúp mình có được nhiều mối quan hệ cho công việc freelance vào năm ba, năm tư. Vì ngành học của mình có nhiều môn đồ án nên mình ưu tiên nhận các công việc linh động thời gian, để vừa có kinh nghiệm mà vẫn đảm bảo được điểm số học tập".
Với các môn học cần làm việc nhóm, Thanh Trang khuyên các bạn tân sinh viên "linh hoạt và tìm cách hòa nhập từ sớm với các thành viên của bài tập nhóm, nếu chưa quen biết với ai trong lớp học. Vì mỗi người có một cá tính và quỹ thời gian khác nhau, các bạn nên họp với nhau thường xuyên để lên kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó cũng nên có biện pháp xử lý kịp thời khi nhóm có thành viên không hoàn thành tốt công việc, để tránh ảnh hưởng đến kết quả học tập chung".
Không chỉ tập trung vào học tập và trải nghiệm, tân sinh viên còn phải đối mặt với những lo lắng về ăn ở, phòng trọ và quản lý tài chính khi bắt đầu cuộc sống tự lập tại thành phố lớn. Tiền thuê phòng trọ thường là khoản chi phí lớn nhất, do đó, việc chủ động lựa chọn người ở ghép có lối sống phù hợp và thảo luận trước về lịch dọn dẹp, nấu nướng là rất quan trọng. Ngoài ra, việc chuẩn bị trước những vật dụng cần thiết sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian.
Bí kíp "giảm sốc" từ hội tiền bối
Đi học xa nhà là thử thách lớn đối với nhiều tân sinh viên, nhưng có trải qua thì mới rút được kinh nghiệm. Vì vậy thay vì lo lắng, tân sinh viên nên chuẩn bị tâm thế cởi mở trước "1001" tình huống... dở khóc dở cười.
"Tiền bối" Chinz nhấn mạnh rằng việc rút kinh nghiệm từ những trở ngại ban đầu đã giúp cô hài lòng với cuộc sống hiện tại. Bằng cách lên kế hoạch cụ thể cho tương lai, Chinz đang dần hoàn thiện bản thân và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống sau khi ra trường.
Hy vọng rằng, các tân sinh viên sẽ có những trải nghiệm quý giá và thành công trong hành trình đại học sắp tới. Chúc các bạn luôn học tập tốt và tận hưởng những năm tháng đáng nhớ.