Bi kịch của một thiếu niên Kenya chỉ vì… mất giấy khai sinh
Bỏ học năm 11 tuổi, năm sau làm người 'đi ở', rồi trở thành thành viên băng đảng năm 15 tuổi, Esther ở Kenya mắc kẹt trong vòng xoáy bị lạm dụng chỉ vì… mất giấy khai sinh.
Esther, năm nay 20 tuổi nhớ lại, lúc nhỏ, cô luôn muốn ra khỏi ngôi nhà tồi tàn, lợp mái tôn trong khu cư dân nghèo ở Makadara, phía Nam Thủ đô Nairobi của Kenya. Cô sống cùng mẹ trong ngôi nhà nằm ngay trước cống ngầm và những bức tường mỏng đến nỗi hàng xóm làm gì xung quanh ai cũng biết.
Mueni, mẹ Esther thường rời khỏi nhà mỗi sáng để tìm việc làm và không chắc cuối ngày trở về có kiếm được tiền hay không.
Yêu cầu nhỏ nhưng khó… không tưởng
Vào năm 2014, khi Esther học lớp 6, giáo viên thông báo rằng học sinh phải nộp giấy khai sinh để đăng ký kỳ thi quốc gia. Yêu cầu tưởng chừng nhỏ nhặt này đã trở thành một trở ngại khiến Esther sau này phải bỏ học.
Cha Esther đã bỏ nhà đi, mang theo giấy khai sinh của con gái và không biết tìm ông ở đâu. Trong khi đó, mẹ cô cố xin bản sao từ các cơ quan công quyền thì gặp trở ngại về thủ tục hành chính. Bà cứ phải đi lại nhiều lần tới các trụ sở ở Nairobi và Kitui, cách nhau gần 185km, mà mỗi lần tiền vé xe buýt ngang với mức lương hàng ngày ít ỏi của bà.
Theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, thiếu giấy tờ là vấn đề nan giải phổ biến đối với phụ nữ, gia đình nông thôn ở Kenya. Điều này khiến họ bị tước đi các dịch vụ cơ bản như giáo dục hay việc làm.
Esther đã nhiều lần bị nhà trường đuổi về nhà vì không có giấy tờ, trong khi mẹ cô vẫn chưa làm được thủ tục và tài chính gia đình càng bấp bênh hơn. “Tôi không thấy lý do gì để ở lại trường nếu không thể tham gia các kỳ thi. Tôi cảm thấy không có lựa chọn nào cho mình ở đó”, cô nói.
Năm 11 tuổi, Esther lặng lẽ bỏ học, sau đó bỏ nhà đi. Cô nghe một người bạn nói rằng một gia đình ở vùng ngoại ô Nairobi đang tìm người giúp việc.
Hành trình bị ngược đãi
Gia đình đầu tiên mà Esther làm việc, năm 12 tuổi, hứa sẽ “đối xử với cô như con gái” và trả cho cô 17 bảng Anh (3.000 shilling Kenya) một tháng, nhưng chẳng mấy chốc, cô bắt đầu làm việc quá sức và bị giữ lại tiền lương.
“Bà chủ khi ấy nói: Tại sao tôi phải trả tiền khi cô được ăn và sống miễn phí ở đây?”, Esther kể. Thực tế, cô phải dậy từ 3 giờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn cho bọn trẻ đến trường rồi làm việc nhà cho đến giờ ngủ.
Esther cho biết, cách họ đối xử với cô đầy sự khinh miệt. Cô phải ăn riêng theo chế độ người làm. Có lần, cô bị đánh bằng ống nước trước mặt khách vì chậm phục vụ trà. “Không ai muốn làm loại công việc đó. Nếu tôi vẫn đi học, có lẽ tôi đã không bị ngược đãi như vậy”.
Hiện tại không có dữ liệu nào về số lượng trẻ em làm giúp việc ở Kenya, nhưng một nghiên cứu năm 2023 cho thấy, trẻ em chỉ mới 7 tuổi ở nước này đã phải đi làm vì nghèo đói, nhiều trẻ phải đối mặt với tình trạng bạo hành thể xác và không được hưởng lương.
Sau khi bị gia đình chủ không trả lương, Esther đã bỏ trốn và trở thành người vô gia cư cho đến khi được giới thiệu với một băng đảng tội phạm. Esther, khi đó 15 tuổi, đã vận chuyển ma túy và vũ khí vì các bé gái ít bị cảnh sát nghi ngờ hoặc bắt giữ.
Băng nhóm cho Esther nhà ở, thức ăn và những bộ quần áo đẹp, ghi lại giờ làm việc của cô một cách tỉ mỉ và hứa sẽ trả tiền cho cô khi cô rời khỏi nhóm. Khi 2 thành viên trong băng nhóm bị bắn và một người khác bị bắt vì tàng trữ ma túy và súng, Esther quyết định rời đi vì sợ công việc nguy hiểm đó.
“Khi tôi muốn đi và đòi tiền công, họ nói rằng không ai rời khỏi băng đảng mà còn sống sót”, Esther kể. Một lần nữa, cô trốn thoát và quay lại làm giúp việc cho một gia đình gồm 7 người ở khu phố trung lưu.
Nhưng lần này, chuyện còn tệ hơn nhiều. Một ngày, khi cả nhà đi vắng, con trai chủ nhà, vốn là sinh viên một trường đại học địa phương, đã cưỡng hiếp Esther. Khi kể với bà chủ, cô còn bị bà ta quy cho tội nói dối và đánh thêm. Vì làm việc bất hợp pháp và không có giấy tờ tùy thân, Esther sợ sẽ gặp rắc rối nếu liên lạc với cảnh sát.
Cuối cùng, mẹ Esther đã liên hệ với Cana Family Life, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Nairobi giúp thanh thiến niên quay lại trường học. Esther tham gia một khóa học làm tóc và hiện đang được giúp đỡ để có việc làm hoặc tự mở một cửa hàng nhỏ.
Tuy nhiên, việc không có giấy khai sinh vẫn ảnh hưởng đến tương lai của Esther vì cô cần nộp đơn đăng ký cấp thẻ căn cước công dân để có việc làm hoặc khởi nghiệp.
“Cần phải quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn cho những người đang phải vật lộn để có được những giấy tờ pháp lý này. Thủ tục cần phải dễ tiếp cận hơn vì ảnh hưởng của nó rất thảm khốc, như cuộc đời con gái tôi bị hủy hoại là một minh chứng”, bà Mueni nói.
Theo Guardian