Bị cáo Trịnh Văn Quyết xin áp dụng Nghị quyết thí điểm về xử lý vật chứng để khắc phục

Nếu được xử lý tài sản theo Nghị quyết số 164/2024/QH15 về thí điểm xử lý vật chứng, bị cáo Trịnh Văn Quyết cam kết sử dụng toàn bộ nguồn tiền này khắc phục hậu quả vụ án.

Sáng 26-12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và 24 bị cáo khác. Ngày mở lại phiên tòa sẽ được ấn định sau.

Nguyên nhân hoãn tòa là do nhiều bị hại, luật sư và bị cáo Trịnh Văn Quyết có đơn xin hoãn.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) bị tòa cấp sơ thẩm xử phạt 21 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CTV

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CTV

Trong đơn xin hoãn phiên tòa, ông Trịnh Văn Quyết nêu 3 lý do về tình trạng sức khỏe, các luật sư cần có thời gian nghiên cứu hồ sơ và vấn đề khắc phục hậu quả vụ án.

Theo đơn, ông Trịnh Văn Quyết đã tích cực tác động gia đình, nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè thu xếp tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Quyết nộp khắc phục 2 lần, tổng cộng 353 tỉ đồng. Cộng với số tiền đã khắc phục từ giai đoạn điều tra đến hết giai đoạn sơ thẩm, tổng số tiền gia đình đã nộp khắc phục cho ông Trịnh Văn Quyết là hơn 600 tỉ đồng.

Hiện, vợ ông Quyết vẫn đang tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thành việc khắc phục.

Đối với khoản tiền còn lại phải khắc phục, ông Quyết cho biết sẽ sử dụng nguồn tiền, tài sản hỗ trợ giúp đỡ từ anh em, họ hàng, bạn bè, cộng thêm giá trị các tài sản hiện đang bị kê biên, phong tỏa đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả. Luật sư và vợ ông Quyết sẽ gửi tới tòa án, VKS danh mục tài sản cụ thể.

Tuy nhiên, do có một số tài sản đang bị kê biên, phong tỏa, hạn chế giao dịch, vợ ông Quyết đã có đơn xin tòa xem xét căn cứ Nghị quyết số 164/2024/QH15 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự để ra quyết định cho áp dụng biện pháp mua bán, chuyển nhượng toàn bộ các tài sản để có tiền khắc phục hậu quả.

Nghị quyết này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2025. Theo ông Quyết, các tài sản bị phong tỏa, kê biên đều là các bất động sản có giấy tờ pháp lý đầy đủ, tính thanh khoản cao. Nếu được tòa án, VKS cho phép thì chỉ đến cuối quý I/2025 sẽ xử lý xong được tất cả các tài sản này.

Trước phiên tòa phúc thẩm, vợ ông Trịnh Văn Quyết có văn bản cam kết dùng tài sản của 2 vợ chồng để khắc phục toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án bao gồm cả phạm vi trách nhiệm của 2 em gái ông Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga.

Ông Quyết nhấn mạnh bản thân xin tự nguyện dùng toàn bộ khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản này để khắc phục hậu quả.

Ngoài những tài sản đang bị kê biên, ông Quyết cho biết còn nhiều tài sản hợp pháp khác của gia đình, người thân đang trong quá trình bán và chuyển nhượng sẽ được sử dụng để khắc phục.

"Với những lý do nêu trên, đề nghị tòa án, VKS xem xét và đồng ý cho hoãn lịch xét xử phúc thẩm sang cuối quý I hoặc đầu quý II năm 2025 để có điều kiện sớm khắc phục được toàn bộ thiệt hại. Đồng thời, thể hiện sự nhân văn của pháp luật, cho bị cáo có thời gian điều trị bệnh để đủ sức khỏe tham dự phiên tòa đảm bảo quyền có luật sư bào chữa đúng quy định pháp luật" - đơn của ông Quyết nêu.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-cao-trinh-van-quyet-xin-ap-dung-nghi-quyet-thi-diem-ve-xu-ly-vat-chung-de-khac-phuc-post826937.html
Zalo