Bị cáo bị tòa án phạt tiền, không phạt tù có phạm tội không?

Hỏi: Thưa Quý báo, thời gian đây, một số bị cáo bị khởi tố, truy tố và bị tòa hình sự của một số Tòa án nhân dân (TAND) xét xử nhưng không phạt tù mà chỉ phạt tiền. Như vậy, có thể coi các bị cáo bị phạt tiền không phạm tội không? (Đoàn Xương, quận Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 35 BLHS năm 2015 quy định, phạt tiền là hình thức phạt chính trong các trường hợp: Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định; Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định.

Hình thức phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do BLHS quy định. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, BLHS quy định, hình thức phạt tiền là hình thức phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.

Như vậy, việc các bị cáo trong vụ án hình sự bị Tòa án áp dụng hình phạt chính là phạt tiền trong các vụ án hình sự không có nghĩa rằng họ không phạm tội, bởi người đó đã thực hiện hành vi phạm tội và được xác định là có tội. Tuy nhiên, căn cứ tính chất mức độ của hành vi, bị cáo phạm tội được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng mức hình phạt là phạt tiền thay vì phạt tù.

Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích thêm, các hình phạt chính trong pháp luật hình sự có mức độ nghiêm khắc tăng dần, từ cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình.

Ngoài ra, pháp luật còn có các hình phạt bổ sung khác như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính).

Theo quy định tại Điều 51 BLHS, khi xét xử, Tòa án sẽ cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng để quyết định mức hình phạt.

Ban Kinh tế - Pháp luật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thong-tin-phap-luat/bi-cao-bi-toa-an-phat-tien-khong-phat-tu-co-pham-toi-khong--i746840/
Zalo