Bí ẩn nghĩa trang thái giám duy nhất còn lại ở Việt Nam

Nghĩa trang thái giám duy nhất ở Việt Nam nằm u tịch, lạnh lẽo giữa đồi thông bên trong chùa Từ Hiếu, cách trung tâm TP Huế chừng 5 km. Các dòng chữ được khắc ở các tấm bia của từng phần mộ thái giám - những người dành cả thanh xuân, gần trọn cuộc đời hầu hạ các bậc đế vương, hoàng hậu, cung tần, công chúa... trong Hoàng cung đã nói lên phần nào số phận hẩm hiu của họ.

Cuộc đời hẩm hiu của thái giám chốn Hoàng cung

Theo các nhà nghiên cứu, việc tuyển chọn thái giám vào cung dưới triều Nguyễn chủ yếu từ hai nguồn. Một là những cậu bé sinh ra đã không có bộ phận sinh dục (gọi là thái giám tự nhiên hay là giám sinh). Làng nào ở Huế thời đó mà có được một cậu bé như vậy thì được coi là điềm tốt. Khi cậu bé giám sinh được tiến cử cho vua, cả làng đó sẽ được hưởng bổng lộc vua ban. Luật triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 16 (1836) quy định khi có giám sinh chào đời, cha mẹ đứa bé phải báo ngay cho làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ nắm.

Khi đứa bé lên 10 tuổi, Bộ Lễ sẽ đưa vào cung để dạy dỗ đầy đủ, từ những nghi lễ phức tạp trong cung cho đến kiến thức, cư xử... để khi lớn lên sẽ sung vào đội thái giám. Luật cũng quy định làng nào có giám sinh mà giấu không báo sẽ bị phạt nặng. Làng nào có giám sinh được báo lên nghiễm nhiên sẽ được miễn thuế 3 năm. Bởi vậy, những giám sinh thời đó được người làng cung kính gọi là “ông Bộ”. Tài liệu của Công sứ A. Laborde ghi nhận, người dân ở một số vùng nông thôn của Huế thời đó vẫn thường truyền tai nhau rằng: “Ăn mà đẻ ông Bộ” cho làng nhờ.

Các thái giám ở Hoàng cung triều Nguyễn (ảnh tư liệu).

Các thái giám ở Hoàng cung triều Nguyễn (ảnh tư liệu).

Suốt 143 năm tồn tại (1802-1945), trong triều đình nhà Nguyễn đã có rất nhiều thái giám sinh sống, phục dịch trong Cấm Thành hoặc các lăng tẩm trong Đại Nội (Hoàng thành Huế). Khi về già, họ được bố trí ra sống tại cung Giám viện ở phía Bắc Hoàng thành Huế. Các thái giám không có người thân, không nơi nương tựa, khi chết không ai hương khói... Xót thương số phận của mình và đồng nghiệp, vào khoảng năm 1848, thái giám Châu Phước Năng (dưới triều Vua Tự Đức) cùng nhiều thái giám dồn tài sản, tiền bạc tích góp được trùng tu, mở rộng Thảo Am đường thành một nghĩa trang với mong muốn khi các thái giám chết có chỗ yên nghỉ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế), Thảo Am đường (trước đây được gọi là An Dưỡng Am) là do thiền sư Nhất Định tạo dựng. “Dưới thời Vua Minh Mạng, thiền sư Nhất Định giữ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự. Tăng Cang là người có khả năng làm khuôn thước đạo đức cho đạo cũng như đời. Với đạo đức và uy phong, thiền sư Nhất Định là một vị thầy tâm linh, làm chỗ nương tựa cho vua, dân chốn Thần Kinh lúc bấy giờ. Thời điểm, thiền sư Nhất Định làm Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự, ngày ngày, các thái giám thường đến để vãn cảnh chùa, nghe những lời chỉ bảo, dạy dỗ từ thiền sư Nhất Định”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho hay.

Năm 1843, sau khi thôi làm Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự, thiền sư Nhất Định đến núi Dương Xuân dựng am tranh bên một con suối nhỏ, lấy tên là An Dưỡng Am và đưa mẹ già về đây để chăm sóc. Một hôm, mẹ của thiền sư ốm nặng và thầy thuốc nói rằng, cụ bà cần phải tẩm bổ thì mới mong qua khỏi. Thiền sư đã chẳng ngần ngại, chống gậy xuống núi, đến chợ Bến Ngự mua một con cá, mặc những lời thị phi hai bên đường, sư xách trên tay đem về nấu cháo dâng mẹ. Tiếng đồn vang đến Vua Thiệu Trị, vua liền tức tốc lên Thảo Am để tìm hiểu thực hư và khi vừa đến Thảo Am thì đúng lúc thiền sư Nhất Định đang dâng bát cháo cá cho mẹ khiến niềm cảm phục của nhà vua lại tăng lên bội phần...

Tuy thiền sư Nhất Định ở chốn thâm sơn nhưng với đạo phong của thiền sư cho nên các vua quan và học trò vẫn thường lên thăm. Thời gian sau đó, Thảo Am còn là nơi rất nhiều quan thái giám của triều đình chọn là địa điểm vãn cảnh, an dưỡng khi về già. Sau đó, vua đồng ý cho mở rộng Thảo Am đường thành chùa Từ Hiếu. Cái tên Từ Hiếu được Vua Tự Đức ban tặng có nghĩa là thể hiện sự “hiếu thuận”. Trong đó, thái giám Châu Phước Năng cũng là người có công, góp phần xây dựng Thảo Am đường thành chùa Từ Hiếu. Về sau, một số thái giám khác lường trước được số phận cô quạnh của mình, không con cháu nối dõi, không người thân thích nên lúc xế chiều đã nhiều lần quyên tiền tu bổ, kiến thiết lại chùa nhằm có chỗ náu thân khi về già, buộc phải rời cung cấm. Đến năm 1893 - đời Vua Thành Thái thứ năm, chùa Từ Hiếu được hòa thượng Cương Kỷ cho trùng tu lớn. Nhiều thái giám lại tiếp tục quyên tiền đóng góp, đồng thời gửi gắm nguyện vọng sau khi chết được chôn cất tại đây để nương nhờ cửa Phật.

Khu nghĩa trang thái giám triều Nguyễn tọa lạc trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.

Khu nghĩa trang thái giám triều Nguyễn tọa lạc trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.

Xót xa nghĩa trang thái giám triều Nguyễn

Nghĩa trang thái giám ở hoàng cung triều Nguyễn hiện nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, tọa lạc giữa một rừng thông u tịch với diện tích gần 1.000 m2. Khu lăng mộ này được chia làm 3 bậc tương ứng với vai trò và sự đóng góp khác nhau của các quan thái giám. Bậc trên cùng là của thái giám Châu Phước Năng, người đóng góp nhiều nhất cho chùa, vì vậy ngôi mộ này cũng to hơn những ngôi mộ nằm bên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, ở ngay giữa nghĩa trang có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám. Trong đó, 25 ngôi mộ, có 2 ngôi mộ gió không có thi hài, thì hầu hết các ngôi mộ còn lại có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất. Rõ ràng nhất là bia số 22 (ở dãy trong cùng) có khắc: Hoàng triều Cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, người ở thôn Nhi, xã Hoàng Công, tổng Hoàng Công, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội; mất ngày 15 tháng Giêng năm Khải Định thứ V (1920)...

Đặc biệt, tại nghĩa trang có một tấm bia ký sắc nằm ở phía mặt tiền, nội dung trên bia khiến người đọc không khỏi xót xa về cuộc đời của những thái giám: “Nhân nghĩ rằng nếu không lo kể về sau, khi còn sống thì nương nhờ chốn Phật, mà khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu? Nhận thấy ở góc thành phía Tây Nam có một đám đất, lấy gạch xây thành để về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để hằng năm thờ cúng, gần nơi của Phật mới là nơi thừa tự lâu dài và ngày thường cùng bằng hữu nếu ai ốm đau có chỗ ra vào dưỡng bệnh, khi nằm xuống có chỗ tống táng”.

Cổng chính giữa có đặt một tấm bia đá được dựng từ năm 1901 do Cao Xuân Dục soạn, ghi lại những tâm sự của thái giám triều Nguyễn: “Trong khi sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Sống hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”. Theo tục lệ, hằng năm cứ đến rằm tháng 11, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ các thái giám triều Nguyễn.

Ngôi mộ bí ẩn của vị Chưởng thái giám

Ngoài nghĩa trang thái giám ở chùa Từ Hiếu, ít ai ngờ rằng nằm cạnh trục đường Thiên Thai (phường An Tây, quận Thuận Hóa, TP Huế), có một ngôi mộ cổ là phần mộ của Chưởng thái giám Mai Văn Hoan - gần đó là mộ tháp của thiền sư Liễu Quán. Ngôi mộ của Chưởng thái giám Mai Văn Hoan được xây theo hình lục giác với 4 cấp, mỗi cấp đều có 6 cạnh. Ở tầng cao nhất có lan can và nằm trên là ngôi mộ được xây hình hoa sen, che bằng căn nhà lục giác. Những người sống gần đó cũng không biết thân phận và lai lịch của người nằm dưới mộ. Họ chỉ biết đó là một đệ tử của thiền sư Liễu Quán - người sáng lập dòng thiền thuần Việt lâu đời chỉ sau Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Bà Lê Thị Liễu (87 tuổi, trú phường An Tây) chia sẻ: “Dân địa phương thường quen gọi đó là mộ “ông Phèn” chứ thực tế không rõ danh tính, lai lịch. Dân cũng chỉ biết mộ xây từ hàng trăm năm trước chứ không rõ mốc thời gian cụ thể. Người Huế sùng đạo Phật, dù không rõ danh tính người dưới mộ nhưng biết ngài là đệ tử của Tổ sư Liễu Quán nên dân vùng này rất tôn kính. Thi thoảng, dân chúng tôi vẫn tổ chức thắp hương và quét dọn mộ của ngài”.

Đại đức Thích Đồng Dưỡng (chùa Ba Phong, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), từng nghiên cứu về cuộc đời của Chưởng thái giám Mai Văn Hoan cho biết, tấm bia trước mộ của thái giám Mai Văn Hoan ở Huế được chế tác từ sa thạch, màu gan gà. Trên bia có tất cả 10 hàng chữ Hán, mỗi hàng có 63 chữ, khắc theo lối khải thư, nét bút cạn, chữ nhỏ và tinh xảo. Bia do “Dưỡng tử Nguyễn Quang Vinh, cháu là Mai Văn Trường” cùng đứng ra lập ngày 18/5 năm Cảnh Hưng (1785). Căn cứ bản dịch chữ Hán khắc trên bia mộ có thể xác định Chưởng thái giám Mai Văn Hoan là người xã Tân Lập, viên từ An Xá, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam ngày nay).

Năm 16 tuổi, Mai Văn Hoan được tuyển chọn vào làm nội giám ở phủ chúa Nguyễn. Đến năm Ất Tỵ (1725), ngài được thăng lên chức Thái giám, chánh Đội trưởng kiêm Tri chư quốc Tào vụ (có vai trò quản lý mọi việc liên quan đến hệ thống các tàu buôn của các quốc gia và vùng lãnh thổ đến buôn bán, trao đổi giao thương ở Đàng Trong). Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn nói thái giám Mai Văn Hoan không chỉ nắm quyền quản lý Tào vụ mà còn là quan chức quản lý về thuế lệ toàn xứ Đàng Trong. Đây có thể là một trong những vị quan chức cấp cao của Bộ Hộ, vốn là Cai bạ vào thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát từ năm Giáp Tý (1744). Đến năm Mậu Ngọ (1738), ngài được thăng làm Chưởng thái giám, tức quản lý tất cả các thái giám trong phủ chúa, kiêm Cai đội, nắm giữ một chức quan võ.

Ngôi mộ Chưởng thái giám Mai Văn Hoan.

Ngôi mộ Chưởng thái giám Mai Văn Hoan.

Theo TS. Võ Vinh Quang, công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, thái giám Mai Văn Hoan có vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhất là dưới thời Ninh vương Nguyễn Phúc Chú và Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Khi ngài qua đời, chúa Nguyễn thương tiếc ban sắc chỉ cho ngài làm Chưởng thái giám kiêm Cai đội Đoán Tài hầu Mai Văn Hoan, tặng Khiêm Cung công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y Đô Chỉ huy sứ ty Đô Chỉ huy sứ, Tổng đốc kiêm Cai cơ Đoán Tài hầu Mai quý công, ban thụy là Thận Cần phủ quân”.

Không chỉ có tầm ảnh hưởng về mặt chính trị, thái giám Mai Văn Hoan cũng là người có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo xứ Đàng Trong. Dòng thiền Liễu Quán sở dĩ phát triển mạnh và tồn tại đến ngày nay vì có những đóng góp không nhỏ của vị thái giám này.

Những thái giám phục vụ trong hoàng cung triều Nguyễn suốt đời mang thân phận nô tài, khi già yếu không con cháu nối dõi và khi chết thì tìm đến nơi u tịch, hoang vắng, lạnh lẽo... khiến không ít du khách và người dân thương cảm về những phận người hẩm hiu. Mới đây, một số du khách cho rằng, nếu phát triển du lịch tâm linh đến với nghĩa trang thái giám hay đến ngôi mộ cổ của vị Chưởng thái giám Mai Văn Hoan chắc chắn sẽ khiến nhiều du khách tò mò đến đây để tìm hiểu.

Hải Lan - Hoàng Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bi-an-nghia-trang-thai-giam-duy-nhat-con-lai-o-viet-nam-i756691/
Zalo