Bí ẩn bảo vật quốc gia: Hành trình di sản Hà Nội

Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội là nơi lưu giữ những di sản vô cùng quý giá. Thủ tướng vừa quyết định công nhận 33 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024, trong đó, có ba bộ sưu tập hiện vật từ Hoàng thành Thăng Long là đầu phượng thời Lý, bình ngự dụng và gốm Trường Lạc thời Lê sơ.

Bộ sưu tập bảo vật quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long

Bộ sưu tập đầu phượng bằng đất nung trong Hoàng thành Thăng Long là cổ vật được phát hiện trong lòng đất có niên đại thời Lý. Bộ sưu tập 5 chiếc đầu phượng Hoàng thành Thăng Long thời Lý rất tiêu biểu, đặc sắc, thể hiện giá trị biểu trưng của lịch sử kiến trúc Đại Việt thời Lý.

Phượng và rồng là những biểu tượng của Hoàng gia, trong đó Phượng thường được gắn với Hoàng hậu. Hình ảnh của cặp đôi phượng - rồng biểu thị cho hạnh phúc viên mãn. Với những ý nghĩa biểu trưng như vậy, việc sử dụng hình tượng chim phượng trang trí trên kiến trúc thời Lý và thời Trần phản ánh sự tồn tại và hòa quyện của Phật giáo và Nho giáo, giữa thần quyền và thế quyền trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý - Trần.

Bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Bảo quản trưng bày, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, cho biết: “Bộ sưu tập chim phượng được làm từ chất liệu đất nung. Các hoa văn trang trí được chạm khắc rất tinh xảo, cho người xem hiểu biết về mặt mỹ thuật cũng như kỹ thuật”.

Đầu phượng được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, dùng để trang trí trên đầu mái cung điện, chứng tỏ trình độ thẩm mỹ và tay nghề cao ở thời Lý. Mỗi đầu phượng được khắc họa trong trạng thái chuyển động sống động, mạnh mẽ. Đặc trưng nổi bật là phần bờm uốn lượn nhịp nhàng. Các chi tiết như đôi mắt to tròn, mày được chế tác tỉ mỉ. Do vậy, sưu tập đầu phượng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc mà nó còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI - XII.

Bộ sưu tập gốm ngự dụng Trường Lạc, thời Lê sơ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, tại Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Bộ sưu tập này có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa.

Chị Lê Thị Khánh Vân - Trung tâm Di sản Hoàng Thành Thăng Long, chia sẻ: “Trên những hiện vật gốm sứ đều ghi những dòng chữ rất ý nghĩa, đó là chữ ‘Trường Lạc’. Sở dĩ có chữ ‘Trường Lạc’ vì những hiện vật này đều sưu tập từ cung Trường Lạc về ”.

Ba chiếc ô tô phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của lịch sử

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày ba chiếc xe gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Đó là ba chiếc Peugeot 404, Pobeda và ZIS 115.

Chị Lê Thị Thanh Loan - cán bộ Phòng Tuyên truyền giáo dục, Khu di tích Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, cho hay: “Đây là những chiến xe đã được sử dụng để phục vụ cho Người qua những năm tháng khó khăn, gian khổ của lịch sử dân tộc ta, khi miền Bắc mới được giải phóng và bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những chiếc xe góp phần đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như hỗ trợ đắc lực cho Người trong việc thực hiện nhiệm vụ đối nội và đối ngoại của đất nước. Ngoài ra, nó thể hiện phong cách vô cùng giản dị, khiêm tốn, gần gũi, sát sao với mọi mặt của đời sống nhân dân”.

Chiếc xe đầu tiên là ZIS 115. Xe được Chính phủ Liên Xô tặng năm 1954. ZIS 115 là chiếc xe bọc thép đặc chủng được sử dụng để bảo vệ Bác trong những chuyến công tác đặc biệt. ZIS 115 không có nhiều thay đổi so với chiếc xe nguyên bản, ngoại trừ đèn sương mù, hai đèn báo động hiện đại, cửa sổ được thiết kế đặc biệt, lốp xe cỡ lớn.

Chiếc Pobeda là một trong những xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Việt Nam vào năm 1955. Tháng 3/1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao đã chuyển chiếc xe này sang Văn phòng Phủ Chủ tịch. Khi đi công tác xa, Bác Hồ vẫn thường thích đi chiếc xe Pobeda vì xe cao, máy khỏe và tiết kiệm xăng. Chiếc xe đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tận năm 1969.

Còn chiếc Peugeot 404 là món quà của đồng bào Việt kiều kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam vào cuối năm 1964. Để đi lại trong thành phố, vào năm 1967, Bác thường đi chiếc xe này. Gầm xe thấp giúp Bác lên xuống xe thuận tiện hơn.

Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ba chiếc xe này đã được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ du khách tham quan.

Được ngắm nhìn những chiếc xe gắn liền với cuộc đời của Bác, mỗi du khách khi tham quan đều không khỏi bồi hồi, xúc động. Những chiếc xe này không chỉ là phương tiện phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là những di sản quý giá, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, hoàn toàn xứng đáng được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia, để các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau đến học tập, nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những giá trị lịch sử là những điều mà chúng ta không bao giờ quên và không được phép quên. Rất nhiều người đã đến Hoàng thành Thăng Long để nhìn lại những giá trị lịch sử qua những bảo vật. Qua đây, ta lại càng tự hào về mảnh đất Thủ đô.

Lê Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bi-an-bao-vat-quoc-gia-hanh-trinh-di-san-ha-noi-294799.htm
Zalo