'Bếp ấm' nơi công trường giữa núi rừng miền biên viễn Đông Bắc

Giữa ngày đông giá bao phủ núi rừng miền biên viễn Đông Bắc, căn bếp của cán bộ, kỹ sư và người lao động tham gia thi công dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) vẫn luôn tỏa ra hơi ấm thân thuộc, gần gũi, xua tan cái rét thấu xương. Khí thế lao động của anh em công nhân dường như hăng say hơn do được 'tiếp sức' từ những bữa cơm công trường nóng hổi, ngọt lành.

Chị Nguyễn Thị Ngân, quê Phú Thọ, được anh em cán bộ, công nhân Tập đoàn Đèo Cả gọi bằng cái tên thân thương: Chị nuôi.

Chị Nguyễn Thị Ngân, quê Phú Thọ, được anh em cán bộ, công nhân Tập đoàn Đèo Cả gọi bằng cái tên thân thương: Chị nuôi.

“Niềm vui của chúng tôi là mỗi ngày tìm nấu những món ăn ngon, đủ chất cho anh em có sức khỏe làm đường, làm giàu cho quê hương. Được góp công sức của mình dù bé nhỏ cho các dự án lớn, chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào!", chị Nguyễn Thị Ngân, nhân viên cấp dưỡng của dự án nở nụ cười hiền hậu.

“Bóng hồng” đầu tiên

Chị Ngân, một người con của quê hương Phú Thọ, lập nghiệp và làm dâu ở Cao Bằng đến nay đã ngót nghét 30 năm. Đầu năm 2024, khi nghe tin dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh tuyển dụng nhân viên, chị tham gia ứng tuyển ngay và được vào vị trí nhân viên cấp dưỡng.

Mối lương duyên với “gia đình Đèo Cả” cũng bắt đầu từ đây. Dẫu vậy, quyết định để đảm nhận công việc này không hề dễ dàng, nhất là khi phải xa gia đình hơn 80 cây số, sống và làm việc tại dự án. Gia đình ai cũng lo lắng, không cho đi vì sợ phụ nữ vất vả, về sau thấy sự hứng khởi mỗi ngày của chị, cũng như điều kiện sinh hoạt tại dự án rất tốt, khác xa tưởng tượng ban đầu, mọi người trong nhà mới dần ủng hộ.

Những ngày đầu đến công trường, chị Ngân là “bóng hồng” đầu tiên ở đây và cũng là người duy nhất của đội cấp dưỡng chứ không có tới 8 người như bây giờ. Căn bếp khi đó chỉ có vài vật dụng cơ bản, qua quá trình làm việc, chăm chút sắm sửa, nơi đây đã trở thành một không gian đầy đủ, luôn được giữ gìn sạch sẽ và ngăn nắp, sẵn sàng phục vụ hàng trăm suất ăn mỗi bữa cho anh em công nhân.

Công việc hằng ngày của chị bắt đầu từ 4 giờ sáng, dù việc nấu ăn không phải dầm mưa dãi nắng thường xuyên như anh em ngoài công trường, nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và một trái tim yêu nghề.

Khắc phục khó khăn, những nhân viên cấp dưỡng như chị thường tìm tòi, sáng tạo các công thức nêm nếm, thay đổi cách nấu để cho ra những thành phẩm món ăn khác nhau, làm phong phú khẩu phần ăn cho cán bộ, công nhân viên dự án. Nhìn thấy anh em ăn những món mình nấu ngon miệng, có sức khỏe chính là niềm vui giản dị gắn kết chị với công việc. Chị tâm sự: “Bận bịu bếp núc cả ngày, chỉ cần thấy anh em ăn hết đồ ăn bày trên mâm, vui vẻ khen ngon sau bữa cơm là lại thấy những mệt nhọc tan biến hết”.

Những nhân viên cấp dưỡng thường tìm tòi, sáng tạo bữa ăn để cho ra những thành phẩm khác nhau, làm phong phú khẩu phần ăn cho cán bộ, công nhân viên dự án.

Những nhân viên cấp dưỡng thường tìm tòi, sáng tạo bữa ăn để cho ra những thành phẩm khác nhau, làm phong phú khẩu phần ăn cho cán bộ, công nhân viên dự án.

Dù đã quen thuộc với địa hình đồi núi từ thời thơ ấu, song những ngày đầu làm việc tại dự án, việc đi lại đối với chị cũng hết sức gian nan, vất vả. Chị tâm sự: Đường khó đi lắm, chỉ sơ sểnh là trượt chân ngã, nhưng không vì thế mà chị nản lòng. Nhớ lại ngày đầu đảm nhận công việc mới, chị Ngân kể, dự án cách chợ trung tâm hơn 20 cây số, dù đã đặt hàng trước nhưng nguồn thực phẩm đôi lúc vẫn không đủ đa dạng đáp ứng.

Chính những gian truân đó càng khiến chị thấy rõ hơn tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc nối tới Cao Bằng, thấy được ý nghĩa lớn lao đằng sau công việc “đứng bếp” để tiếp sức cho những người đang tham gia thi công, xây dựng con đường đặc biệt này - con đường mà chính gia đình chị cũng như bao nhiêu gia đình khác nơi đây hằng mong mỏi.

“Mới đầu, anh em công nhân từ nhiều vùng quê về đây, người thì quen món biển, người ăn nhạt, người ăn ngọt, mỗi người mỗi khẩu vị khác nhau. Những người cấp dưỡng như chúng tôi luôn cố gắng tìm cách chế biến sao cho dễ ăn, vừa miệng với nhiều người nhất có thể. Mâm cơm cũng nhiều món để mọi người có nhiều lựa chọn. Cho đến giờ, thậm chí chúng tôi còn thuộc làu sở thích ăn uống của phần đông anh em ấy chứ”, chị nhớ lại.

Chúng tôi là “chị nuôi”

Có những thời điểm, dự án của Đèo Cả tăng tốc, dồn lực thi công, tất cả phải thi công “xuyên đêm”, căn bếp của dự án vì thế cũng đỏ lửa đêm ngày, bảo đảm cho các anh em công nhân được “nạp năng lượng” đầy đủ. Không khí lao động rộn ràng, dù trên công trường hay trong khu bếp, dù công việc bộn bề, nhưng ai nấy đều cần mẫn làm tốt phần việc của mình. Đặc thù công trường dự án xây dựng đa phần là lao động nam, có rất ít “bóng hồng” chịu đầu quân. Như hiểu được tâm tư đó, những nữ nhân viên như chị Ngân luôn được ban lãnh đạo dự án quan tâm động viên.

“Các anh còn lo chúng tôi vất vả, thường xuyên căn dặn không được quên giữ gìn sức khỏe cho mình, mới quán xuyến tốt bữa ăn cho mọi người”, chị Ngân chia sẻ.

Ban Điều hành dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Ban Điều hành dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Ba năm gắn bó với “gia đình Đèo Cả”, chị Lê Thị Tải (57 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn tràn đầy nhiệt huyết lao động qua mỗi bữa ăn nấu cho anh em kỹ sư, công nhân.

Trước khi đến với dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, chị có gần 2 năm làm việc trên công trường dự án Nghi Sơn-Diễn Châu. Khi được hỏi cơ duyên gắn bó với Đèo Cả, chị Tải kể, trước kia gia đình chị chân chỉ hạt bột với đồng ruộng, sau đó thử sức kinh doanh nhưng không thuận lợi, lại rơi đúng vào giai đoạn đại dịch Covid-19, chị mong muốn tìm một công việc để ổn định kinh tế gia đình, may mắn lại được về làm tại dự án đường cao tốc gần nhà. Chị chia sẻ, còn sức khỏe thì vẫn muốn được lao động, tạo ra giá trị giúp ích cho xã hội, vừa hay nấu ăn là sở trường, cũng là niềm yêu thích của chị.

“Tôi gắn bó với công việc này cũng 3 năm rồi. Kết thúc dự án Nghi Sơn-Diễn Châu, tôi tiếp tục đồng hành tại dự án mới Đồng Đăng-Trà Lĩnh, quen nhiều đồng nghiệp, hiểu thêm văn hóa các vùng miền và học hỏi cách chế biến những món ăn mới. Tôi cũng hiểu, thấm hơn lối sống, văn hóa làm việc của người Đèo Cả. Càng làm việc, bản thân tôi càng muốn gắn bó với tổ chức hơn nữa”, chị Tải kể, giọng đầy tự hào.

Trước kia, khi còn ở nhà làm ruộng, chị Tải thường không mấy khi quan tâm đến khám sức khỏe, phần do bận rộn, phần do thói quen “có bệnh mới phải tìm đến bác sĩ”. Từ khi vào làm dự án của Đèo Cả, cũng như tất cả cán bộ, công nhân viên, chị được định kỳ khám sức khỏe bởi đây là một trong nhiều phúc lợi của người lao động. Có sức khỏe tốt là tiêu chí đầu tiên để làm việc tốt, đặc biệt ở công việc đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và cường độ như ở Đèo Cả.

Một điều khá đặc biệt, gia đình chị Tải gồm 5 thành viên thì có đến 3 người đang làm việc trong Tập đoàn Đèo Cả. Chồng và con trai thứ hai của chị là công nhân thi công hầm. Công việc ở đây mang đến cho gia đình chị đãi ngộ tốt với thu nhập ổn định, môi trường làm việc hòa đồng và nhiều chế độ khác. Dù đi làm xa nhà, nhưng ở dự án nào chị cũng cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm chân tình từ ban lãnh đạo và anh chị em đồng nghiệp.

“Ở Đèo Cả có nét văn hóa rất riêng biệt thôi thúc tôi nỗ lực mỗi ngày, đây cũng là nơi tôi thấy mình được góp sức vào công việc chung của công ty, tạo nên những con đường mới cho các miền đất, dù chỉ rất nhỏ bé là mỗi bữa ăn được chuẩn bị chỉn chu cho anh em. Trước đây, chưa bao giờ tôi nghĩ việc làm bếp của mình lại có ý nghĩa thế”, chị Tải chia sẻ.

Với chị Tải hay chị Ngân, anh em công trường và cả những người khách đến thăm dự án như chúng tôi, vẫn thường gọi thân thương là “chị nuôi”. Bằng đôi tay khéo léo và lòng nhiệt thành từ trái tim đối với công việc, các “anh nuôi, chị nuôi” đã gửi gắm tình yêu và kỳ vọng lớn lao đối với những đóng góp của Đèo Cả cho đất nước, qua những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày. Không nắm giữ vị trí lớn lao mang tầm chiến lược, hay trực tiếp xông pha nơi công trường, nhưng họ vẫn cống hiến cho đơn vị bằng hết khả năng của mình, âm thầm, giản dị nhưng không kém phần quan trọng.

Bằng đôi tay khéo léo và lòng nhiệt thành từ trái tim đối với công việc, các “anh nuôi, chị nuôi” đã gửi gắm tình cảm của mình qua những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày.

Bằng đôi tay khéo léo và lòng nhiệt thành từ trái tim đối với công việc, các “anh nuôi, chị nuôi” đã gửi gắm tình cảm của mình qua những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày.

Những ngày tháng Chạp, miền biên viễn Cao Bằng hơi lạnh thấu xương, khói sương giăng bảng lảng trên mái nhà, vạt cây. Cuối ngày, trong căn bếp ấm tại khu nhà điều hành dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, bữa cơm chiều đã được các “chị nuôi” tất bật sửa soạn, cơm dẻo canh nóng nghi ngút, sẵn sàng chờ đón anh em cán bộ kỹ sư, công nhân tan ca trở về.

TUYẾT MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bep-am-noi-cong-truong-post853871.html
Zalo