Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức: Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng động

Năm 2024, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng. Qua đó, giúp cho người bệnh tâm thần được điều trị và chăm sóc, phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tâm thần.

Giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần

Khu vực đón tiếp khám, chữa bệnh của Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Khu vực đón tiếp khám, chữa bệnh của Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Theo số liệu công bố mới nhất, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp ở nước ta chiếm gần 15% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (thường gọi là điên). Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn, với 5,4% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác, như chậm phát triển tâm thần (0,63%), rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)... So với tỷ lệ dân số, thì số lượng người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội khoảng 1,5 triệu người, trong đó có trẻ em.

Để giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, trước hết mỗi người cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần từ gia đình, cộng đồng. Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh tâm thần. Hiện Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức có chức năng khám, điều trị người bệnh tâm thần; khám bệnh và điều trị cấp phát thuốc ngoại trú bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn; khám bệnh sơ cấp cứu ban đầu với các trường hợp bệnh đa khoa và tai nạn giao thông.

Cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức ân cần chăm sóc từng bữa cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức ân cần chăm sóc từng bữa cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Mạng lưới tâm thần gồm 3 bệnh viện chuyên khoa và các tổ khám tâm thần trực thuộc 30 trung tâm y tế. Mỗi tổ khám tâm thần gồm 1- 2 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tâm thần, 1-2 điều dưỡng. Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức chịu trách nhiệm về kiểm tra, giám sát 9 trung tâm y tế chỉ đạo về các hoạt động của các trung tâm y tế trong phạm vi được phân công. Thông tin tuyên truyền cho cộng đồng tại 9 huyện, tổ chức khám phát hiện bệnh nhân mới, khám sàng lọc, khám lại tại các huyện sau tập huấn; hỗ trợ chuyên môn cho 9 trung tâm y tế khi cần thiết. Bệnh viện quản lý và điều trị ngoại trú 6.484 bệnh nhân tâm thần đã được chẩn đoán và lập hồ sơ bệnh án, tại 9 huyện, quận. Tiếp tục duy trì 211 xã, phường đã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần, hiện toàn bộ số người bệnh được chuyển về trung tâm y.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh tâm thần, nhất là tại tuyến y tế cơ sở thông qua cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực, tổ chức đào tạo tập huấn, quản lý điều trị bệnh tâm thần cho từng tuyến làm cơ sở cho giao chỉ tiêu chuyên môn và kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động. Tiếp tục quản lý cả các bệnh nhân không lĩnh thuốc tại các trung tâm y tế. Đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Ngoài ra, bệnh viện quản lý bệnh nhân ngoại trú cho 6.484 bệnh nhân tâm thần đã được chẩn đoán và lập hồ sơ bệnh án; thực hiện chẩn đoán, điều trị rối loạn tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật. Triển khai quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tâm thần tại các đơn vị theo quy định. Cùng với đó, hướng dẫn người dân biết phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh; biết tự hỗ trợ, quản lý, chăm sóc khi mắc bệnh. Triển khai hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật để dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc hiệu quả rối loạn tâm thần trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Cùng với việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, phát hiện sớm các biểu hiện rối loạn tâm thần, một số rối loạn tâm thần thường gặp tại cộng đồng, như: In sách hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo giấy, báo điện tử, tạp chí sức khỏe về các rối loạn tâm thần thường gặp tại cộng đồng và cách phòng tránh. In băng đĩa hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần tại 8 xã, phường với 640 người tham gia.

Cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Tại những buổi tập huấn, các đối tượng đã trực tiếp được Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Xuất và Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức truyền đạt những nội dung liên quan đến sức khỏe người tâm thần; việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng, trợ giúp tâm lý cho người bị bệnh tâm thần tại cộng đồng và biện pháp chăm sóc, điều trị một số bệnh tâm thần thường gặp, như: Bệnh động kinh, các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu, rối loạn giấc ngủ, bệnh trầm cảm… Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ và thân nhân người bệnh tâm thần nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản để chăm sóc người bệnh tâm thần, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là dịp để thân nhân người tâm thần chia sẻ kinh nghiệm quá trình chăm sóc bệnh nhân, dấu hiệu riêng có của từng bệnh; nêu những khó khăn, vướng mắc của gia đình trong quá trình điều trị, quá trình chuyển từ sức khỏe tâm thần sang bệnh tâm thần. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người tâm thần và cân bằng, dung hòa được các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức còn tổ chức sinh hoạt 8 câu lạc bộ tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Năm 2024 đã sinh hoạt được 40 buổi của 8 câu lạc bộ với 2.000 người bệnh và người nhà người bệnh tham gia.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Đăng Xuất, câu lạc bộ bệnh nhân là hoạt động mang một ý nghĩa hết sức thiết thực, không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Trong thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cố gắng duy trì và phối hợp tổ chức chương trình câu lạc bộ bệnh nhân định kỳ mỗi tháng một lần.

"Với kinh nghiệm chuyên môn và sự tận tâm, tận tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã, đang có những đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng", Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Đăng Xuất nhấn mạnh.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/benh-vien-tam-than-my-duc-thuc-hien-tot-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-tam-than-cong-dong-688999.html
Zalo