Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Tiếp nhận kỹ thuật tuyến trên, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển

Qua 20 năm tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật điều trị từ tuyến trên, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc trong việc triển khai thành công các kỹ thuật điều trị tiên tiến. Qua đó, nâng cao vị thế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trong tỉnh và khu vực.

Triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến

Giữa tháng 12-2024, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện can thiệp nội mạch thành công một trường hợp bệnh nhân rò động mạch cảnh xoang hang. Bệnh nhân N.T.T.T (61 tuổi, TP. Nha Trang) đến khám với triệu chứng sưng nề, đỏ mắt và ù tai bên phải. Bệnh nhân được chụp mạch máu não số hóa xóa nền (DSA) và được chẩn đoán rò động mạch cảnh xoang hang thể gián tiếp, có nhiều ổ rò làm tăng áp lực hệ thống tĩnh mạch vỏ não, dẫn đến ứ trệ tĩnh mạch mắt và gây sưng đỏ mắt. Sau khi được tư vấn, bệnh nhân đồng ý thực hiện phương pháp can thiệp nội mạch làm tắc đường rò. Đây là kỹ thuật rất khó, mới được triển khai tại một số ít bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh nhân T. được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh tiến hành can thiệp nội mạch dưới sự hỗ trợ của bác sĩ Trần Quốc Tuấn - chuyên gia đầu ngành can thiệp mạch máu thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Sau 4 giờ, ca can thiệp thành công. 5 ngày sau, bệnh nhân xuất viện, các triệu chứng trước đó đã không còn. Đây chỉ là một trong những trường hợp được cứu sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhờ thực hiện kịp thời kỹ thuật can thiệp trên. Kỹ thuật này được bệnh viện tiếp nhận từ Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh từ năm 2020.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp - chuyên gia đầu ngành chỉnh hình nhi TP. Hồ Chí Minh đã chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong 15 năm.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp - chuyên gia đầu ngành chỉnh hình nhi TP. Hồ Chí Minh đã chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong 15 năm.

Đầu năm 2024, bệnh nhân N.T.N.B (52 tuổi, thị xã Ninh Hòa) bị tai nạn giao thông, vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng đa chấn thương nặng, gãy phức tạp xương vùng khớp vai và nhiều xương sườn. Bệnh nhân đã được đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng điều trị kết nối các xương gãy bằng nẹp vít. Sau điều trị, bệnh nhân đi lại hoạt động bình thường. Cũng trong năm 2024, bệnh nhân N.N.T (28 tuổi, huyện Diên Khánh) bị điện giật vào điều trị trong tình trạng hoại tử da, gân, thần kinh vùng cổ tay nặng. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp cắt lọc các tổ chức hoại tử và lấy vạt da từ vùng đùi che phủ những vùng tổn thương tại cổ tay. Hiện nay, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng của bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó và rất khó, đặc biệt là thực hiện thay khớp háng thành công cho nhiều người lớn tuổi (từ 90 đến 104 tuổi), có nhiều trường hợp được thay lại lần 2, lần 3. Trước đây, những trường hợp này đều được chuyển lên tuyến trên, bởi phẫu thuật ở người lớn tuổi thường gặp nhiều rủi ro do họ thường mắc các bệnh nền đi kèm…

Tiếp tục phát triển chuyên sâu

Đầu những năm 2000, trong tình hình chung cả nước, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Khánh Hòa đều yếu về chuyên môn và trang thiết bị. Với mong muốn vươn lên, phát triển các kỹ thuật tiên tiến, mang lại các dịch vụ tốt nhất cho người dân tại tỉnh, năm 2003, Sở Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tham mưu cho UBND mời bác sĩ Hà Văn Đức - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh Phạm Ngọc Châu về bệnh viện để hỗ trợ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu - đặt viên gạch đầu tiên cho công cuộc tiếp nhận và phát triển các kỹ thuật từ tuyến trên. Năm 2004, lãnh đạo bệnh viện tiếp tục mời bác sĩ Võ Văn Châu - chuyên gia Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh về chuyển giao kỹ thuật. Năm 2005, bác sĩ Võ Văn Châu đã mở lớp “Vi phẫu cơ bản” đầu tiên theo hướng cầm tay chỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi tiếp nhận, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã nối thành công 4 ngón tay đứt lìa cho bệnh nhân do máy cắt. Từ đó đến nay, hằng năm, các đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã đến hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật liên tục tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Có thể nói, bác sĩ Võ Văn Châu là người tiếp nối và là người đặt nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển giao các kỹ thuật điều trị tuyến trên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tiến sĩ Trần Minh Bảo Luân (bìa trái), chuyên gia lồng ngực, mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tiến sĩ Trần Minh Bảo Luân (bìa trái), chuyên gia lồng ngực, mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Năm 2008, Bộ Y tế triển khai Đề án 1816 (chuyển giao kỹ thuật tuyến trên cho tuyến dưới); năm 2013 là Đề án bệnh viện vệ tinh (các bệnh viện hạt nhân đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới) đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp cận và kết nối nhiều hơn với các bệnh viện tuyến trên. Nhờ đó, trong 15 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp đón hơn 50 nhóm chuyên gia trong nước, khu vực và thế giới tới chuyển giao kỹ thuật điều trị. Trong đó, có những bệnh viện tuyến trung ương, như: Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Ung bướu, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng thành phố, Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh); Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Việt Đức, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược Huế; một số bệnh viện ở Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Đức… chuyển giao các chuyên ngành về chấn thương chỉnh hình, nhi, bỏng, ngoại thần kinh, tim mạch can thiệp, dị tật bẩm sinh, chạy thận nhân tạo, gây mê, hồi sức tích cực, sản phụ khoa… Với việc tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật tiên tiến, trong vòng 10 năm trở lại đây, số ca phẫu thuật thực hiện tại bệnh viện tăng mỗi năm. Trong đó, số ca phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng từ gần 4.800 ca (năm 2019) tăng lên 6.340 ca (năm 2023); ngoại thần kinh từ hơn 480 ca lên gần 610 ca...

Bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Với việc tiếp nhận kỹ thuật tuyến trên theo hướng đào tạo chuyên môn tại chỗ, cầm tay chỉ việc trực tiếp, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện và người dân ở tỉnh đã được hưởng lợi rất nhiều. Người dân được các bác sĩ, chuyên gia giỏi hàng đầu trong nước khám bệnh, điều trị phẫu thuật, chăm sóc sau phẫu thuật ngay tại tỉnh. Đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện được tiếp nhận nhiều tri thức, kiến thức chuyên khoa sâu. Từ đó, bệnh viện giữ chân được nguồn nhân lực có chuyên môn cao, vị thế, uy tín ngày càng tăng. Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ y tế còn có sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Sở Y tế để bệnh viện phát triển như hiện nay”.

Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục tiếp nhận các kỹ thuật điều trị chuyên sâu hơn từ tuyến trên để tiến tới trở thành bệnh viện tuyến cuối khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2025/202502/benh-vien-da-khoa-tinh-khanh-hoa-tiep-nhan-ky-thuat-tuyen-tren-tao-nen-mong-vung-chac-cho-su-phat-trien-aa012a9/
Zalo