Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Hiệu quả chuyển đổi số từ việc triển khai bệnh án điện tử

Bằng việc triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã giúp mọi thông tin kết quả của bệnh nhân cùng toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh, đều được lưu trữ rõ ràng và được hiển thị chính xác.

Mới đây, ngày 14.3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông, liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9.2025.

 Bệnh án điện tử được xem là giải pháp quan trọng nhằm thay thế những hồ sơ bệnh án giấy truyền thống, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Ảnh. Xuân Quý

Bệnh án điện tử được xem là giải pháp quan trọng nhằm thay thế những hồ sơ bệnh án giấy truyền thống, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Ảnh. Xuân Quý

Từng bước triển khai bệnh án điện tử

Với việc triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông không chỉ thay đổi phương thức quản lý bệnh án, mà còn tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đem lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.

Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đinh Công Dũng cho biết, hiện nay bệnh viện đang thực hiện đáp ứng đúng yêu cầu của Chỉ thị 07/CT-TTg về việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trong đó, về phía bệnh viện cũng đã triển khai được 3 phần hệ chính để cấu thành nên bệnh án điện tử bao gồm: HIT (Hệ thống thông tin bệnh viện), LIS (Laboratory Information System) – Hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm, PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh).

Về hệ thống HIT, LIS, PACS của bệnh viện, hiện tại các bác sĩ có thể không cần sử dụng phim chụp nữa. Thay vào đó, sử dụng đọc các hình ảnh từ khoa chẩn đoán máy chụp trên bằng hệ thống PACS, cả người bệnh và bác sĩ có thể đọc được, xem được kết quả trên trên hệ thống điện tử thông minh.

 Thông qua các mã QR code của phiếu trả kết quả, người bệnh dễ dàng biết được thông tin chuẩn đoán bệnh của mình. Ảnh: Xuân Quý

Thông qua các mã QR code của phiếu trả kết quả, người bệnh dễ dàng biết được thông tin chuẩn đoán bệnh của mình. Ảnh: Xuân Quý

“Với trường hợp người bệnh đến khám, chữa bệnh nếu thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thì kết quả sẽ tự động đẩy lên hệ thống, từ đó bác sĩ phòng khám có thể chẩn đoán được luôn. Khi về nhà, thông qua các mã QR code của phiếu trả kết quả, người bệnh nhập mã truy cập vào đường link của bệnh viện là sẽ có thể biết được thông tin chuẩn đoán bệnh của mình.

Về các hệ thống khác, bệnh viện cũng đang trong quá trình triển khai. Dự kiến đến cuối tháng 6, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông sẽ hoàn thành xong chương trình để thẩm định bệnh án điện tử, nhằm đáp ứng đúng tiến độ yêu cầu của Chính phủ đề ra", ông Đinh Công Dũng thông tin.

 Tại khu vực khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã bố trí 2 máy Kiosk (máy lấy số tự động) nhằm tiết kiệm thời gian khám bệnh cho người bệnh. Ảnh: Xuân Quý

Tại khu vực khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã bố trí 2 máy Kiosk (máy lấy số tự động) nhằm tiết kiệm thời gian khám bệnh cho người bệnh. Ảnh: Xuân Quý

Song song với đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tích cực thực hiện đề án 06 chuyển đổi số ngành y tế bằng cách triển khai tiếp đón người bệnh thông qua rất nhiều hình thức bao gồm: Thẻ bảo hiểm, căn cước công dân, VssID, VneID. Đặc biệt, tại khu vực khám bệnh đã bố trí 2 máy Kiosk (máy lấy số tự động) nhằm tiết kiệm thời gian khám bệnh cho người bệnh, nhất là với người cao tuổi.

Ông Đinh Công Dũng cho biết thêm, máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử định danh mức độ 2, với thiết kế màn hình chạm cảm ứng, hiển thị dịch vụ theo từng phòng khám. Điều này có nghĩa, người dân có thể khám, chữa bệnh tại bệnh viện mà không cần kèm theo thẻ BHYT giấy.

 Nếu như trước đây, khi đi khám bệnh bằng thẻ BHYT giấy, người dân phải mất thời gian để nhân viên y tế nhập mã thẻ, đối chiếu, kiểm tra thông tin thì giờ chỉ cần vài phút, người bệnh đã có số thứ tự và chờ đến lượt khám mà không cần phải kiểm tra thông tin lại một lần nữa. Ảnh: Xuân Quý

Nếu như trước đây, khi đi khám bệnh bằng thẻ BHYT giấy, người dân phải mất thời gian để nhân viên y tế nhập mã thẻ, đối chiếu, kiểm tra thông tin thì giờ chỉ cần vài phút, người bệnh đã có số thứ tự và chờ đến lượt khám mà không cần phải kiểm tra thông tin lại một lần nữa. Ảnh: Xuân Quý

Lợi ích từ bệnh án điện tử

Theo Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đinh Công Dũng, bệnh án điện tử tạo thuận lợi cho nhân viên y tế đỡ phải viết giấy tờ, hồ sơ nhiều. Thay vào đó, được nhập liệu trên hệ thống giúp giảm thời gian về thủ tục hành chính, dành thời gian chăm sóc người bệnh nhiều hơn.

Về góc độ bệnh viện, việc quản lý mọi thông tin được minh bạch hơn. Đặc biệt, khi triển khai bệnh án điện tử đã giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép thủ công, loại bỏ tình trạng chữ viết khó đọc và cung cấp đầy đủ, nhanh chóng thông tin bệnh sử của bệnh nhân. Nhờ đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Đồng thời thuận tiện cho người bệnh, có thể tra cứu kết quả, xem lại lịch sử khám, chữa bệnh của mình. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn góp phần mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người bệnh.

 Triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện đã giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép thủ công, loại bỏ tình trạng chữ viết khó đọc của bác sĩ. Ảnh: Xuân Quý

Triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện đã giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép thủ công, loại bỏ tình trạng chữ viết khó đọc của bác sĩ. Ảnh: Xuân Quý

BSNT.Vũ Xuân Diệu – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, một ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú bao gồm một số vùng: Khám bệnh tại khoa Khám bệnh, Khám tự nguyện, Khám cấp cứu nhưng không nhập viện.

Còn với điều trị nội trú, hiện tại bệnh viện được phê duyệt hơn 830 giường kế hoạch, tuy nhiên số lượng bệnh nhân cũng diễn biến tùy theo đặc thù của từng khoa. Chẳng hạn, khoảng thời gian gần đây có một số dịch sởi hoặc dịch cúm, thì một số khoa sẽ tăng đột biến như khoa Nhi hay Khoa Bệnh nhiệt đới có trung bình dao động 900 - 1.000 bệnh nhân/ngày.

“Việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử không chỉ giúp thông tin sức khỏe của người bệnh, tiền sử bệnh được lưu giữ đầy đủ, mà còn dễ dàng khi truy cập qua các hệ thống mạng Internet. Nhân viên y tế chỉ mất thời gian ngắn để truy cập hồ sơ bệnh án, khai thác thông tin và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời nên có nhiều thời gian hơn để thăm khám và tư vấn kỹ hơn cho người bệnh. Với bệnh nhân nội trú, bệnh án điện tử cũng giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác, an toàn và nhanh chóng”, BSNT. Vũ Xuân Diệu chia sẻ.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/benh-vien-da-khoa-ha-dong-hieu-qua-chuyen-doi-so-tu-viec-trien-khai-benh-an-dien-tu-post409780.html
Zalo