Bệnh viện dã chiến Việt Nam điều trị thành công ca bệnh sốt rét đặc biệt
Đây là trường hợp sốt rét khá đặc biệt, là lời cảnh báo quan trọng về sự đa dạng của khởi phát lâm sàng cũng như sự tiến triển nhanh của bệnh sốt rét
Thông tin từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Bentiu, Nam Sudan cho biết bệnh viện vừa điều trị trường hợp sốt rét khá đặc biệt.
Bệnh nhân nam 29 tuổi tiền sử khỏe mạnh, người Ghana, khởi phát bệnh ngày 23-10 với tình trạng buồn nôn, nôn, đi lỏng nhiều lần. Sau đó xuất hiện sốt cao, ớn lạnh, rét run thành cơn kèm theo đau đầu vùng trán, đau cơ khớp. Tại Bệnh viện cấp 1, xét nghiệm phát hiện nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu. Ngày thứ 2 của bệnh, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần, kèm theo mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, bệnh nhân được đặt dịch truyền và chuyển ngay sang Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam trong đêm 24-10.
Tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 Việt Nam, bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét mức độ nặng dựa các triệu chứng như sốt cao liên tục 39,5 độ C; đau đầu dữ dội; rối loạn ý thức (trạng thái kích thích, bồn chồn, lo lắng, tiếp xúc chậm, giảm định hướng không gian và thời gian); mạch nhanh 120 lần/phút; huyết áp thấp 85-90/55 mmHg; nhịp thở 21-22 lần/phút. Kèm theo có tổn thương gan (biểu hiện bằng tăng enzym gan, tăng bilirubin máu 39 mcmol/l), tổn thương thận (biểu hiện bằng tăng creatinin 120mcmol/l), rối loạn đông máu (với PT 22,4s; INR 1,84); tiểu cầu giảm thấp (50 G/L)...
Kíp trực đã ngay lập tức tiến hành hồi sức tích cực bằng truyền dịch, kết hợp thuốc điều trị đặc hiệu sốt rét (Artesunat dạng tiêm), thuốc hạ sốt, giải độc gan, vitamin K1. Khi tình trạng bệnh tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển về phòng cấp cứu Khoa Nội - Truyền nhiễm để tiếp tục theo dõi sát diễn biến lâm sàng và điều trị theo chuyên khoa.
Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Nội - Truyền nhiễm, bệnh nhân cắt được sốt, tinh thần tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng huyết động ổn định, các xét nghiệm dần trở về giới hạn bình thường nên được chuyển về Bệnh viện cấp 1 để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Đây là trường hợp sốt rét khá đặc biệt bởi khởi phát bệnh là tình trạng rối loạn tiêu hóa (nôn, đi lỏng trước sau đó mới xuất hiện sốt), vì vậy bệnh nhân này là lời cảnh báo quan trọng về sự đa dạng của khởi phát lâm sàng cũng như sự tiến triển nhanh của bệnh sốt rét do Plasmodium falciparum bởi khả năng tiến triển thành sốt rét nặng, sốt rét ác tính. Các trường hợp nặng là do tình trạng tắc nghẽn các mao mạch nhỏ, dẫn đến rối loạn tuần hoàn, giảm tưới máu và suy đa cơ quan.
Bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển rất nhanh và sớm tử vong trong vài giờ đến vài ngày. Với hầu hết các ca bệnh nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%, do đó việc chẩn đoán sớm bằng kinh nghiệm lâm sàng, xét nghiệm đặc hiệu và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sốt rét là yếu tố rất quan trọng. Trường hợp bệnh nhân này dù nặng nhưng đã được điều trị sớm và kịp thời ngay từ đầu nên đã đáp ứng tốt với điều trị.
Bệnh sốt rét lây truyền từ người sang người qua ký chủ trung gian là muỗi. Do vậy, để phòng chống bệnh sốt rét, các bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như ngủ màn, mặc quần áo dài, mang tất che phủ kín da khi đi ra ngoài, đặc biệt là thời điểm chuyển giao giữa ngày và đêm (thời điểm muỗi hoạt động mạnh); vệ sinh môi trường hạn chế sự phát triển của muỗi và bọ gậy bằng khơi thông cống rãnh, loại bỏ nước tù, ứ đọng… Đặc biệt là phải uống thuốc dự phòng sốt rét khi sống trong vùng sốt rét lưu hành.
Một số hình ảnh: