Bệnh viện Bạch Mai sẽ tái khởi động lại trong điều kiện an toàn cao nhất
Hai tuần nữa, Bệnh viện Bạch Mai mới chính thức hoạt động khám, chữa bệnh trở lại. Đây là khoảng thời gian để bệnh viện vừa trải qua 14 ngày phong tỏa có thể chuẩn bị tốt nhất cho mọi khâu phòng, chống dịch Covid-19, để người dân được tiếp cận y tế chuyên sâu và bệnh viện cũng bảo đảm an toàn dịch tễ ở mức cao nhất cho người bệnh và cán bộ y tế. GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ ngắn với PV Báo Nhân Dân điện tử trong thời khắc lịch sử của Bệnh viện Bạch Mai khi vừa được dỡ bỏ hàng rào cách ly sau 14 ngày vào rạng sáng 12-4.
Đúng 0 giờ ngày 12-4, Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ phong tỏa sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định về Luật Truyền nhiễm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để bệnh viện chính thức tái khởi động lại các hoạt động khám chữa bệnh, là điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận y tế chuyên sâu đã bị gián đoạn thời gian qua.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn trong thời khắc lịch sử này:
Phóng viên: Thưa GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, tại thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai đã được dỡ bỏ cách ly, xin ông hãy chia sẻ cảm xúc của mình lúc này?
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn: Chúng tôi đã vượt qua được khó khăn nhờ có sự hỗ trợ lớn nhất của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và người dân. Chúng tôi cũng nhận được nhiều sự động viên của người dân cả nước, đó là động lực để vượt qua khó khăn đầu tiên này.
Phóng viên: Thời gian tới công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ được triển khai như thế nào?
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn: Bệnh viện sẽ trở lại hoạt động bình thường vào tháng 5. Chúng tôi có hai tuần để chuẩn bị tất cả các khâu phòng, chống lây nhiễm, sàng lọc và chuẩn bị các điều kiện cách ly nếu có ca nghi ngờ đến khám bị lây nhiễm Covid-19.
Phóng viên: Được biết, ngày 12-4, Bệnh viện Bạch Mai sẽ đưa hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện về các cơ sở y tế ở tuyến dưới. Bệnh viện có lộ trình an toàn thế nào để vận chuyển các bệnh nhân này?
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn: Chúng ta đang trong tâm dịch, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, một số nước có người tái nhiễm bệnh sau nhiều lần thử âm tính, được điều trị khỏi, vì thế chúng ta không thể chủ quan.
Đợi đến sáng, chúng tôi sẽ có những chuyến xe chở bệnh nhân về địa phương, thực tế là chuyển từ một đơn vị cách ly tập trung ở Bệnh viện Bạch Mai sang tuyến tỉnh. Chúng tôi sẽ bàn giao cho CDC từng tỉnh. Do vậy, toàn bộ đường đi được giám sát chặt chẽ, có nhân viên y tế đi kèm, sẽ không sợ có hiện tượng lây liên quan giữa nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân Bạch Mai với môi trường chung quanh. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.
Phóng viên: Trong những ngày qua, Bệnh viện Bạch Mai dù khó khăn nhưng vẫn thể hiện vai trò tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh khi đã cứu chữa được nhiều ca bệnh nguy kịch. Ông đánh giá thế nào về những thành quả này?
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn: Bệnh việnBạch Mai là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt, tập trung đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên sâu, được trang bị máy móc hiện đại.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bệnh viện Bạch Mai được xử lý những trường hợp vượt quá khả năng của tuyến dưới ngay trong thời điểm bệnh viện cách ly hoàn toàn. Đây là quyết định vô cùng đúng đắn, nên Bệnh viện Bạch Mai đã cứu chữa được nhiều bệnh nhân, có nhiều ca mà không đến Bạch Mai thì chắc chắn tử vong.
Chúng tôi đã cứu được một số trường hợp hết sức ngoạn mục, tạo tiếng vang lớn. Đây chính là thành quả của những quyết định chính xác của Chính phủ, Bộ Y tế và quyết tâm, sự quyết liệt của cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai.
Phóng viên: Trong thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chăm lo về dinh dưỡng cho người bệnh và người nhà người bệnh như thế nào?
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn: Đây là bài toán hết sức khó khăn, không đơn giản vì đơn vị cung cấp suất ăn (Công ty TNHH Trường Sinh – pv) là nơi tạo ra nguồn lây nhiễm rất nhiều. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị có uy tín, cung cấp suất ăn chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phóng viên: Thời gian qua, áp lực của người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai rất lớn. Ngày hôm nay, ông muốn chia sẻ điều gì với những đồng nghiệp của mình và mọi người?
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn: Thực tế là người lãnh đạo áp lực rất nhiều. Ngày hôm nay, mọi người vui, tôi cũng vui. Tuy nhiên, đoạn đường phía trước còn nhiều khó khăn. Tập thể lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai sẽ cố gắng đoàn kết, đưa ra giải pháp tốt nhất để bảo vệ nhân dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đặc biệt là nhân viên y tế tránh lây nhiễm Covid-19 trong thời gian này.
Xin cảm ơn GS, TS Nguyễn Quang Tuấn!
TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:
Trong 14 ngày cách ly, song song với việc các cán bộ y tế chăm sóc tất cả bệnh nhân nặng cách ly tại bệnh viện thì bệnh viện cũng tiếp nhận hơn 40 trường hợp rất nặng không thể điều trị ở các tuyến. Hoạt động khám chữa bệnh vẫn được tiếp tục triển khai trong suốt 14 ngày bị phong tỏa.
Sau khi hoàn thành cách ly và trở lại hoạt động, chúng tôi có phương án làm sao để tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh như bình thường nhưng với điều kiện an toàn nhất về mặt dịch tễ. Ban Giám đốc Bệnh viện đã có phương án và chúng tôi sẽ triển khai vào tuần tới, sau khi tái khởi động lại.
Chúng ta biết rằng: bản chất của dịch là lây lan, mà trong bệnh viện môi trường toàn người bệnh và tập trung đông người. Như vậy, chúng tôi phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, về mặt dịch tễ, về mặt xét nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Bộ Y tế đã xác định: dịch lây nhiễm từ cộng đồng. Vì vậy, đứng về góc độ dịch tễ, tất cả những người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1, tức là tiếp xúc gần với những người dương tính. Và trên thực tế thì có rất nhiều người lành mang bệnh, có nghĩa là hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng mà trong người họ có virus ở đường hô hấp. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là thường trực. Chính vì vậy, bảo đảm an toàn cho người bệnh, người thân của người bệnh khi đến khám cũng như bảo đảm sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế khi thăm khám là mục tiêu của giai đoạn tới của bệnh viện.
Tuy nhiên đây là việc khó, cần có sự triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu, các tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải bảo đảm các vấn đề về chống nhiễm khuẩn, vệ sinh trong bệnh viện được tăng cường ở mức độ cao nhất. Đặc biệt, chúng tôi cũng tăng cường tập huấn với cán bộ y tế, tăng cường truyền thông cho mọi người ra vào bệnh viện. Chống dịch là việc của tất cả mọi người chứ không riêng của y tế.
Chúng tôi tin rằng, với việc triển khai một cách đồng bộ thì khi Bệnh viện Bạch Mai tái khởi động lại, người bệnh và nhân viên y tế sẽ được làm việc trong một môi trường với hệ số an toàn cao nhất.