Bệnh sởi có thể điều trị tại nhà hay không, các yếu tố nguy cơ tiến triển nặng ra sao?
Trong hướng dẫn mới nhất vừa được Bộ Y tế ban hành đã chỉ ra 7 yếu tố nguy cơ dẫn tới diễn tiến nặng của bệnh sởi cũng như biện pháp điều trị sởi nếu bệnh chưa có biến chứng…

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác thu dung, điều trị sởi tại BV Nhi Trung ương
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, với nhiều điểm mới so với hướng dẫn cũ.
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế nêu rõ, diễn biến lâm sàng thể điển hình của sởi thể hiện qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 7 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày).
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): trong 2 - 4 ngày.
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.
Bộ Y tế chỉ rõ 7 yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến nặng của bệnh sởi, gồm: Trẻ dưới 12 tháng tuổi; người chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đầy đủ; người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; người có bệnh nền nặng; người suy dinh dưỡng nặng; thiếu vitamin A; phụ nữ mang thai.
Về điều trị Sởi, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, nếu là sởi không biến chứng thì có thể điều trị ngoại trú. Theo đó, cách ly ca bệnh tại nhà: nằm phòng riêng, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang thường xuyên.
Đồng thời, cho uống Vitamin A liều cao: tất cả trẻ bị sởi với hai liều cách nhau 24 giờ. Nếu có dấu hiệu thiếu Vitamin A hoặc suy dinh dưỡng nặng, bổ sung liều thứ ba sau 4-6 tuần.
Về phân cấp điều trị bệnh sởi, Trạm y tế xã và phòng khám tư nhân được phân cấp khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng; chuyển tuyến đối với bệnh sởi có biến chứng, hoặc có suy giảm miễn dịch, hoặc có bệnh nền nặng.
Bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; chuyển cấp điều trị đối với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy,viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng…