Bệnh rỗng tủy: Nguy hiểm nhưng dễ bị nhầm với đau cổ vai gáy
Bệnh rỗng tủy tiến triển âm thầm, có thể dẫn đến tàn tật, thậm chí là đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Bệnh này dễ bị nhầm với các chứng đau xương khớp khác, do vậy việc phát hiện và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
Dành cả thập kỷ uống thuốc giảm đau vì bệnh rỗng tủy
Cách đây 10 năm, chị Thu Linh (50 tuổi, TP.HCM) nhận thấy tay trái xuất hiện cảm giác không thoải mái, cử động khó khăn, thỉnh thoảng bị co giật. Các triệu chứng ngày càng diễn tiến nặng. Chị bị choáng váng khi ngửa đầu hoặc xoay cổ; sau mỗi lần phải di chuyển nhiều thì toàn thân ê ẩm và đau như bị "ai đánh bầm dập".
Đi khám ở một số cơ sở y tế, chị được chẩn đoán mắc chứng rỗng tủy cổ. Đây là tình trạng phát triển của ống nội tủy thành nang chứa đầy dịch trong tủy sống. Khi những nang này lớn dần, nó có thể đè lên những dây thần kinh của não nối với các bộ phận khác khiến người bệnh đau mỏi, khó khăn khi vận động, rối loạn cảm giác cùng với một số triệu chứng khác. Chị được kê thuốc điều trị các triệu chứng đau mỏi, song bệnh không thuyên giảm mà ngày một trầm trọng hơn. "Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của tôi, nhất là trong giấc ngủ. Ngay cả khi đi đứng cũng cảm thấy bồn chồn, không thoải mái, tay bủn rủn, gần như không thể cầm nắm được vật gì nặng. Tay mất cảm giác theo thời gian. Nhiều lúc ăn cơm, tôi chỉ muốn quăng đi đôi đũa và dùng tay bốc cho nhanh", chị Linh kể. Trong lúc tuyệt vọng thì chị được giới thiệu đến bệnh viện FV.
Khi đến Bệnh viện FV, bệnh nhân Thu Linh đã ở trong tình trạng chức năng vận động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả soi chiếu kỹ thuật cao cho thấy, phần tiểu não của bệnh nhân bẩm sinh đã dài hơn bình thường. Đoạn dôi dư đó tràn xuống và chiếm chỗ ở trung tâm của chất xám chứa dịch não tủy. Dịch não tủy không lưu thông được dần tích tụ lại, đè lên hệ thống thần kinh nối bộ não với các bộ phận khác trên cơ thể, làm hủy hoại tủy.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp Nội mạch Thần kinh, Bệnh viện FV nhận định, cần phải giải quyết được 2 vấn đề cho bệnh nhân. Đầu tiên là giải áp nơi phần thần kinh đang bị chèn ép, bằng cách cắt rộng lỗ ống thần kinh. Thứ hai là dẫn lưu dịch não tủy, đoạn bị ứ đọng. Như vậy, chỉ có phẫu thuật mới giúp bệnh nhân hồi phục một phần chức năng.
"Khi được giải thích về phương án và kế hoạch điều trị, bệnh nhân và người nhà đồng ý ngay…", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Kết quả sau phẫu thuật không nằm ngoài dự đoán của vị trưởng khoa. Chỉ sau 5 ngày, chị Linh đã cảm thấy khỏe hơn. Các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, tê mỏi tay chân biến mất. Sau một tuần, người bệnh đã có thể đi lại, vận động bình thường. Nữ bệnh nhân xúc động đến phát khóc khi được thông báo xuất viện.
"Bác sĩ đánh giá tôi hồi phục rất tốt. Tôi rất biết ơn bác sĩ Hùng và các điều dưỡng, hộ lý vì đã nhiệt tình, chu đáo, giúp tôi thoát khỏi cảnh phải uống thuốc suốt chục năm qua. Với tôi, mọi thứ tại FV - từ dịch vụ cho tới đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng - đều hoàn hảo", chị Linh hồ hởi chia sẻ.
Rỗng tủy: bệnh nguy hiểm nhưng triệu chứng mơ hồ, dễ bị nhầm với đau cổ vai gáy
Rỗng tủy là căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 8/100.000 người. Bệnh viện FV chỉ ghi nhận khoảng 4 trường hợp đến khám và điều trị mỗi năm.
Phần lớn bệnh nhân rỗng tủy là nguyên nhân vô căn (tức không xác định được nguyên nhân) và một số có căn nguyên như: Dị tật cột sống bẩm sinh; sau chấn thương; phối hợp với não úng thủy; dị dạng cổ chẩm; viêm tủy sống thắt lưng; nang hố sau; u của chẩm lỗ lớn…
Căn bệnh này có những triệu chứng rất mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với cảm giác mệt mỏi, uể oải thông thường. Do đó, bệnh nhân thường phải thăm khám qua nhiều chuyên khoa. Đến khi có chẩn đoán đúng, bệnh đã chuyển biến nặng, dẫn đến quá trình điều trị khó khăn và kéo dài hơn.
Dù tiến triển âm thầm với những triệu chứng không rõ ràng, song rỗng tủy là một căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới tàn tật ở các bộ phận bị ảnh hưởng. Khi hốc rỗng tủy lan tới não (bệnh rỗng tủy não) thì có thể gây ra những rối loạn nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, khi có những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, khó khăn khi vận động, tứ chi tê mỏi, tay chân yếu dầu, thường xuyên đau vùng cổ - vai – gáy, đi đứng mất thăng bằng… kéo dài, bệnh nhân cần đến thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh của các bệnh viện lớn.
Để chẩn đoán chính xác căn bệnh rỗng tủy, các bác sĩ sẽ cần đến sự trợ giúp của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT scan)… Trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ cần phải thực hiện thêm những phương pháp chẩn đoán khác để phân biệt căn bệnh rỗng tủy với một số tình trạng khác như xơ cứng từng mảng, tình trạng chảy máu trong tủy sống, khối u tủy sống, bệnh tabet hay teo cơ tiến triển Aran-Duchenne.
Khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp Nội mạch Thần kinh là một trong những khoa mũi nhọn của Bệnh viện FV. Nơi đây tập trung đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao với hàng chục năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý liên quan đến yếu tố thần kinh ở vùng não bộ, cột sống và dây thần kinh ngoại biên bằng các phương pháp ngoại khoa. Cùng với đó, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, giúp chẩn đoán chính xác các vấn đề liên quan đến thần kinh, tủy sống cũng như tiến hành các thủ thuật xâm lấn tối thiểu để thực hiện nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Điển hình là dùng ống thông siêu nhỏ luồn vào vùng bẹn theo hướng dẫn của tia X, luồn qua các mạch máu dẫn vào não hoặc cột sống.
Để biết thêm về việc điều trị bệnh rỗng tủy, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp Nội mạch thần Thần kinh, Bệnh viện FV qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.