Bệnh nhi 4 tháng tuổi nhiễm giang mai do lây truyền từ mẹ
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi (4 tháng tuổi) xuất hiện ban đỏ rải rác lòng bàn tay, bàn chân. Bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm giang mai bẩm sinh từ mẹ.
Theo đó, mẹ bệnh nhi được phát hiện giang mai thông qua xét nghiệm sàng lọc trước sinh ở bệnh viện tỉnh khi mang thai 34 tuần và đã được điều trị giang mai theo phác đồ tiêm Penicillin 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tuần. Sau khi tiêm mũi cuối 1 ngày, mẹ bệnh nhi có dấu hiệu chuyển dạ và sinh con ở tuần 36. Cân nặng của bệnh nhi khi sinh là 2,3 kg và không có biểu hiện bất thường. Bệnh nhi chưa được làm xét nghiệm sàng lọc giang mai sơ sinh.
Qua thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa, Ths. BSNT Nguyễn Doãn Tuấn, Khoa điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định bệnh nhi là trường hợp giang mai bẩm sinh sớm đủ tiêu chuẩn khẳng định bệnh qua xét nghiệm và tiền sử mắc bệnh của mẹ.
BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, giang mai bẩm sinh là trường hợp mẹ mắc bệnh giang mai và truyền cho thai nhi trong khi mang thai. Sự lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kì. Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.
Các trường hợp nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng thấy xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi; khi 5 - 6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.

Bệnh nhi 4 tháng tuổi xuất hiện ban đỏ rải rác lòng bàn tay, bàn chân (Ảnh BVCC)
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm và muộn
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu, thường gặp nhất là trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như: phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ đẻ ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to.
Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh 3 – 4 năm với các biểu hiện như: viêm giác mạc kẽ thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên và có thể dẫn đến mù, lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ. Ngoài ra còn có thể thấy các dị hình như: thủng vòm miệng, trán dô, xương chày lưỡi kiếm…Nếu bệnh được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và không để lại di chứng.
Với trường hợp bệnh này, khi người mẹ đã phát hiện giang mai từ lúc mang thai, bệnh nhi nên được lấy máu xét nghiệm sàng lọc và điều trị sớm ngay sau sinh để giảm thiểu các nguy cơ biến chứng có thể gây ra.
Bs. Thùy cũng khuyến cáo xét nghiệm giang mai cần được làm cho tất cả phụ nữ có thai vào lần khám đầu tiên sử dụng test nhanh giang mai để phát hiện, điều trị sớm, ngăn ngừa lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang con. Thêm vào đó, việc truyền thông giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt quần thể nguy cơ cao (gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) về nguyên nhân gây bệnh, đường lây, biến chứng, cách phòng bệnh, lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị sớm nên được đẩy mạnh. Thực hành tình dục an toàn để tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và các hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.