Bệnh hen sẽ tiến triển khi 'gặp' khói thuốc

Người mang bệnh hen hút thuốc sẽ 'tiếp tay' cho chất độc hại làm tăng tính đáp ứng đường thở với các chất này. Hút thuốc làm cho bệnh hen nặng nề hơn, đặc biệt là trẻ em. Khi có bệnh hen mà hít phải khói thuốc sẽ trở nên mệt mỏi, yếu ớt hơn.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hen suyễn là một bệnh mãn tính có ảnh hưởng tới đường dẫn khí của phổi. Trong cơn hen suyễn, phế quản sưng lên gây khó khăn cho việc thở. Khi thành phế quản bị sưng khiến phế quản hẹp lại, lượng không khí hít vào hay thở ra ở phổi ít hơn. Các tế bào trong đường dẫn khí có thể làm tăng chất nhầy nhiều hơn bình thường, nó làm cho việc hô hấp thậm chí khó khăn hơn.

Các triệu chứng hen suyễn bao gồm ho, khó thở hoặc có vấn đề trong việc thở, thở khò khè, đau thắt hoặc đau ngực. Hen suyễn có thể nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ths. Bs. Nguyễn Thị Phương Anh (Bệnh viện Phổi Trung ương) - Ảnh: Kiều Trang

Ths. Bs. Nguyễn Thị Phương Anh (Bệnh viện Phổi Trung ương) - Ảnh: Kiều Trang

Nếu mắc hen suyễn, cơn hen suyễn xảy ra khi một cái gì đó tấn công đường dẫn khí và các yếu tố kích thích gây nên cuộc tấn công. Yếu tố kích thích đối với mỗi người là khác nhau. Hút thuốc lá là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây hen suyễn. Hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá thụ động sẽ gây tổn hại tới sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là với người mắc hen suyễn.

Hút thuốc thụ động là một hỗn hợp khí và các hạt rất mịn bao gồm: Khói từ việc đốt cháy thuốc lá, xì gà hay thuốc lào. Khói được nhả ra (thở ra) từ người hút thuốc. Khói thuốc lá được hít một cách thụ động chứa hơn 7.000 loại hóa chất, bao gồm hàng trăm loại chất độc hại, 70 loại trong số đó là nguyên nhân gây ung thư. Nếu bị hen suyễn, điều quan trọng cần làm là tránh khỏi việc hút thuốc thụ động.

Ths. Bs. Nguyễn Thị Phương Anh (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, người bị hen thì chức năng phổi rất kém. Khi người bị hen hút thuốc sẽ có đờm, dịch nhiều hơn những người không hút thuốc. Khả năng đẩy đờm ra ngoài kém, làm cho hệ thống luân chuyển bị liệt, thậm chí bị phá, ảnh hưởng đến cấu trúc của tuyến tiết nhầy, làm cho thành phần tuyến tiết nhầy thay đổi. Đôi khi tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng thoát đờm. Người hút thuốc đờm bị giữ lại nhiều trong phổi làm cản trở sự trao đổi không khí.

"Người mang bệnh hen khi hút thuốc sẽ làm tăng tính đáp ứng đường thở với các chất độc hại. Co thắt phế quản là biểu hiện của người bệnh hen, nếu hút thuốc, làm cho bệnh hen của họ nặng nề hơn và hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc hen", bác sĩ Phương Anh cho biết.

Bác sĩ Phương Anh cũng lưu ý, với trẻ em bị hen mà có người trong gia đình hút thuốc sẽ khiến bệnh trở nặng hơn vì tăng tính đáp ứng đường thở. Vì vậy, cần cố gắng giữ không khí sạch không khói thuốc khi trong nhà có trẻ em bị hen. Người bị hen dị ứng với tất cả các loại hạt nhỏ chui vào trong đường thở, những hạt đấy là hạt nhỏ, kích thước nhỏ, qua lông mũi đã cản được hạt to.

Không chỉ là khói thuốc mà ngay cả các hạt bụi như khói bếp than, bếp củi, rơm rạ, cũng ảnh hưởng, vào đường thở cũng kích ứng. Hoặc có người ngửi mùi hoa ly, hoa sữa cũng bị lên cơn hen, mùi sơn tường, sơn tủ cũng lên cơn hen.

Ở một mặt khác, hút thuốc gây hại cho thai nhi. Cùng với việc gây hại trực tiếp cho phổi của người mẹ, nicotin, chất gây nghiện trong các sản phẩm thuốc lá và các chất khác được truyền qua máu của người mẹ và trực tiếp đến em bé. Con của những bà mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai cũng dễ mắc các bệnh về hô hấp và có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp 10 lần. Hút thuốc trong khi mang thai cũng có liên quan đến việc trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/benh-hen-se-tien-trien-khi-gap-khoi-thuoc-20241019123544271.htm
Zalo