Bệnh cúm nguy hiểm thế nào?

Bệnh cúm thường gặp, có thể tự khỏi nhưng một số trường hợp nặng không được điều trị đúng cách dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Theo BSCKI Hà Tố Như, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện An Việt (Hà Nội), cúm là một trong những bệnh lý thông thường, có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt lứa tuổi hay giới tính.

Gần đây, số lượng các ca mắc cúm và nhập viện điều trị tăng vì đây là thời điểm thuận lợi cho virus "hoành hành". Hai chủng virus cúm thường gặp là cúm A và cúm B.

Các triệu chứng của bệnh cúm thường khá giống với các bệnh lý tai mũi họng khác. Người mắc cúm thường có những triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, trong đó ho thường nặng và kéo dài.

Ngoài các triệu chứng thường gặp trên, một số bệnh nhân còn xuất hiện thêm các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em.

Bệnh cúm rất thường gặp, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Bệnh cúm rất thường gặp, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Theo BSCKI Hà Tố Như, virus cúm có thể lây truyền trực tiếp trong không khí qua đường hô hấp nên rất dễ lây nhiễm cho nhau. Đặc biệt là trong những không gian như công sở, trường học hay gia đình.

Ai cũng có thể mắc cúm nhưng những nhóm nguy cơ cao là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có các bệnh mãn tính, người có sức đề kháng yếu, người làm việc ở môi trường đông người, phụ nữ có thai.

Thông thường, triệu chứng cúm sẽ xuất hiện và khỏi sau khoảng 1 tuần nhưng cũng có trường hợp biến chứng viêm phổi ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe người bệnh. Biến chứng viêm phổi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim hay tiểu đường.

Ngoài viêm phổi, cúm còn có thể dẫn tới các biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu và một số triệu chứng cao như sốt cao, khó thở, phủ phổi, tím tái. Phụ nữ mang thai nếu mắc cúm có thể gây biến chứng viêm phổi và sảy thai. Biến chứng nguy hiểm nhất là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Người mắc cúm thường được chỉ định điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, với những trường hợp tiến triển nặng thì người bệnh cần được điều trị tại các cơ sở y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Có nhiều biện pháp phòng ngừa cúm cho người lớn và trẻ em nhưng quan trọng và được đánh giá cao nhất là tiêm vaccine cúm đầy đủ, đúng lịch sẽ giảm nguy cơ mắc cúm và hạn chế các biến chứng nguy hiểm nếu có mắc phải. Đặc biệt là ở các nhóm như trẻ nhỏ, người có tuổi, người mắc bệnh mạn tính hay phụ nữ có thai.

Vào thời tiết mùa đông lạnh giá, mọi người cần chủ động phòng tránh bệnh cúm. Ngoài tiêm vaccine, mọi người cần giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi đưa tay lên mũi miệng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/benh-cum-nguy-hiem-the-nao-ar923540.html
Zalo