Bệnh cúm mùa tại tỉnh đang được kiểm soát

Bác sĩ Trần Hiến Khóa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), cho biết, hiện nay, tình hình dịch cúm mùa trên thế giới đang diễn biến đáng lo ngại. Trên địa bàn tỉnh, tình hình cúm mùa vẫn đang được kiểm soát.

"Đây là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt trong môi trường đông người như trường học, bệnh viện, nơi làm việc. Ngoài ra, nguy cơ lây lan càng tăng cao khi giao lưu, đi lại giữa các quốc gia. Một yếu tố đáng lo ngại khác là virus cúm có thể đồng nhiễm với các virus đường hô hấp khác như Covid-19, RSV, làm bệnh trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn”, Bác sĩ Trần Hiến Khóa cho biết thêm.

Trong thời gian đầu năm 2025, Bệnh viện Sản - Nhi cũng tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh nhi mắc cảm cúm.

Trong thời gian đầu năm 2025, Bệnh viện Sản - Nhi cũng tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh nhi mắc cảm cúm.

Thông tin từ CDC Cà Mau, ghi nhận tại Nhật Bản từ ngày 2/9/2024-26/1/2025 đã có khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa, chủ yếu do virus cúm A gây ra, có nguy cơ bùng phát dịch do cúm B. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu cũng báo cáo số ca mắc cúm gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong những tháng mùa đông khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus lây lan.

Đối với nước ta, theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, giảm 17,9% so với năm 2023. Tuy nhiên, số ca tử vong là 8 trường hợp, tăng 5 trường hợp so với năm trước, cho thấy mức độ nguy hiểm vẫn hiện hữu, đặc biệt với các nhóm có nguy cơ cao.

Riêng với tỉnh Cà Mau, Bác sĩ Trần Hiến Khóa thông tin, tình hình cúm mùa vẫn đang được kiểm soát. Trong những tháng đầu năm 2025, số ca mắc cúm có xu hướng tăng nhẹ do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Nhờ các biện pháp giám sát dịch tễ, tuyên truyền phòng bệnh và tiêm vắc xin cúm mùa, hiện tại tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch lớn hay các biến chứng nghiêm trọng trên diện rộng.

Tuy vậy, nguy cơ bùng phát dịch vẫn hiện hữu, đặc biệt trong các nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh nền và người có hệ miễn dịch suy giảm. Ngành y tế tỉnh đang tích cực theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác dự phòng và khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế tiếp xúc khi có triệu chứng cúm để ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng.

Theo Bác sĩ Trần Hiến Khóa khuyến cáo, người dân cần tiêm vắc xin cúm hàng năm, đây là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ biến chứng nặng. (ảnh chụp tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Cà Mau)

Theo Bác sĩ Trần Hiến Khóa khuyến cáo, người dân cần tiêm vắc xin cúm hàng năm, đây là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ biến chứng nặng. (ảnh chụp tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Cà Mau)

Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh, Bác sĩ Trần Hiến Khóa phân tích, dù phần lớn các trường hợp mắc cúm có thể hồi phục nhưng bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền. Virus cúm biến đổi liên tục, làm suy giảm hiệu quả miễn dịch và có thể dẫn đến những đợt dịch lớn nếu không kiểm soát tốt.

Khi mắc cúm mùa, người bệnh thường sốt cao đột ngột; ho khan, đau họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau đầu, đau cơ, mệt mỏi...; ở trẻ em có thể xuất hiện triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy.

Các triệu chứng của bệnh cúm mùa thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác. Để xác định chính xác nguy cơ mắc cúm và điều trị hiệu quả, người dân cần đến bệnh viện khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Bác sĩ Trần Hiến Khóa khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa cúm mùa, người dân cần tiêm vắc xin cúm hàng năm, đây là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ biến chứng nặng; giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng cúm và trên các phương tiện giao thông công cộng. Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.

Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm; nếu có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/benh-cum-mua-tai-tinh-dang-duoc-kiem-soat-a37157.html
Zalo