Bệnh cúm diễn biến phức tạp: Không chủ quan cũng đừng hoang mang

Dịch cúm mùa năm nay đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, được đánh giá là đợt dịch nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận số ca cúm tăng từ cuối năm ngoái, tác nhân chủ yếu là virus A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm.

Người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm.

Bệnh nhân mắc cúm mùa tăng

Theo Ths.BS Đinh Thị Bích Thục, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E , từ sau Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm đến khám, điều trị có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm/ngày. Cao điểm có ngày khoa khám cho gần 40 người bệnh, trong đó chiếm tới một nửa là người mắc cúm. Không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc cúm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm (A/H1N1, A/H3N2, B, C) gây ra, lây lan nhanh qua đường hô hấp thông qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.

Cùng tình trạng này, Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân cúm gia tăng. Riêng tại Khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), số bệnh nhân cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, số ca viêm đường hô hấp cấp, cúm và viêm phổi tăng gấp đôi so với trước đây, lượng bệnh nhân nhập viện vì suy hô hấp cũng gia tăng tương tự. Đặc biệt, chiếm tỷ trọng lớn là người trên 60 tuổi, có bệnh nền như hen suyễn, viêm phế quản, tăng huyết áp, tiểu đường…

Lý giải thực trạng gia tăng của bệnh cúm mùa, BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết đỉnh dịch cúm tại Việt Nam thường rơi vào khoảng tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10 hằng năm, tức hiện tại mùa cúm Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu cao điểm, thời gian sắp tới dự báo diễn biến của bệnh cúm sẽ khó lường hơn nữa.

Phân biệt giữa cảm và cúm

Theo BS Đoàn Thị Khánh Châm - Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cúm và cảm lạnh là hai loại bệnh về đường hô hấp thường gặp với những triệu chứng tương đồng nhau nên dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị.

Thực tế, cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.

Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu bằng đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắt xì hơi, chảy nước mắt, kèm ho, thường sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Các triệu chứng này thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày.

Cũng theo BS Đoàn Thị Khánh Châm, virus cúm có thể di chuyển trong không khí, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì sẽ phát tán virus trong không khí và lây truyền sang cho người khác, có thể diễn ra trước khi bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh. Các chủng virus cúm thường xuyên thay đổi nên các kháng thể trong cơ thể người không thể chống lại sự tấn công của cúm. Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn rất nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân… Cúm có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách.

Đôi lúc triệu chứng bệnh cảm và cúm dễ nhầm lẫn, bản thân người bệnh không cần phân biệt nhưng nếu có các dấu hiệu bệnh kéo dài hơn 1 tuần, sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn, ho kéo dài quá 2 tuần dù các triệu chứng khác đã dứt hẳn, triệu chứng đau đầu, mỏi cơ rất trầm trọng.

Theo các chuyên gia y tế, cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người, bao gồm: Cúm A: Còn được gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Virus cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng cao lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2), cúm A (H5N1).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm phòng vaccine cúm giúp bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ mắc cúm đến 90%, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 80%. Đối với thai phụ, việc tiêm vắc xin phòng cúm giúp giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.

Có nên tiêm vaccine cúm?

Phân tích về tình trạng nhiều người dân đổ xô đi tiêm vaccine và mua thuốc Tamiflu dự trữ, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, là do tâm lý quá lo lắng của người dân. Chủng virus gây ra bệnh cúm tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay không phải là virus mới, độc lực cũng không thay đổi. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết khu vực miền Bắc đang lạnh nên nhiều người dễ mắc cúm hơn, người dân không nên chủ quan nhưng cũng đừng hoang mang, lo sợ, cần tìm hiểu kỹ thông tin từ nguồn tin chính thống và thực hiện biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Phân tích về vấn đề tiêm vaccine, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho rằng, vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm, song mục tiêu chính của vaccine cúm mùa không phải là miễn dịch cộng đồng mà là bảo vệ nhóm nguy cơ cao, từ đó, giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm số người cần nhập viện, giảm áp lực y tế và tử vong. Do đó, đối tượng cần bảo vệ và tiêm phòng cúm thường xuyên hằng năm là nhóm nguy cơ cao: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền.

Tamiflu là loại thuốc chỉ sử dụng được cho trường hợp bệnh nặng, người có bệnh lý nền và theo chỉ định của các bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng bởi sẽ gây ra những nguy hiểm. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc Tamiflu, bác sĩ sẽ có chỉ định và bệnh viện cung ứng thuốc đầy đủ nên việc người dân tự tích trữ thuốc là hoàn toàn không cần thiết.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Đây là các chủng virus cúm đang lưu hành gây nhiều ca mắc hiện nay ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Thanh Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/benh-cum-dien-bien-phuc-tap-khong-chu-quan-cung-dung-hoang-mang-10300378.html
Zalo