Bên trong thủ phủ lừa đảo qua mạng tại biên giới Myanmar và Thái Lan
Shwe Kokko, một thành phố hoàn toàn mới nằm ở một trong những góc nghèo nhất của châu Á, bị cho là thủ phủ của những kẻ lừa đảo qua mạng, rửa tiền và buôn người béo bở nhưng chết chóc.
Lời tòa soạn
Lừa đảo qua mạng, đặc biệt là lừa tình ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn trong những năm gần đây. Cùng điểm qua một số vụ lừa đảo chấn động trên thế giới, cũng như những "mánh khóe" mà tội phạm mạng sử dụng để chiếm đoạt của nạn nhân hàng tỷ USD.
Bài 1: Lừa tình qua mạng và chiêu trò khiến góa phụ sập bẫy tình
Bài 2: Kẻ lừa tình qua mạng hé lộ sổ tay hướng dẫn quyến rũ phụ nữ
Bài 3: Trợ thủ đắc lực của những kẻ lừa tình trực tuyến
![Shwe Kokko - thủ phủ của những kẻ lừa đảo qua mạng. Ảnh: BBC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_23_51462064/dafaa44f94017d5f2410.jpg)
Shwe Kokko - thủ phủ của những kẻ lừa đảo qua mạng. Ảnh: BBC
Tọa lạc ở biên giới Myanmar và Thái Lan, thành phố này được cho là mọc lên từ số tiền thu được qua các vụ lừa đảo. Người đàn ông đứng sau nó - She Zhijiang, đang ngồi tù ở Bangkok, chờ bị dẫn độ về Trung Quốc.
Theo BBC, 8 năm trước, bang Karen của Myanmar chỉ có cây cối, vài tòa nhà được xây dựng thô sơ và là một trong những nơi nghèo nhất trái đất. Ngày nay, một thành phố nhỏ đã xuất hiện ở đây như một ảo ảnh, nó được gọi là Shwe Kokko hay Golden Raintree (cây mưa vàng).
Yatai, công ty của She Zhijiang, mô tả Shwe Kokko như một thành phố nghỉ dưỡng an toàn cho khách du lịch Trung Quốc và là thiên đường cho những người siêu giàu.
She Zhijiang mơ ước xây dựng thành phố này như tấm vé thoát khỏi thế giới đen tối của những trò lừa đảo và cờ bạc mà ông ta từng sống. Tuy nhiên, do đặt mục tiêu cao như vậy, She Zhijiang đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc, quốc gia đang muốn dập tắt các hoạt động lừa đảo dọc biên giới Thái Lan và Myanamar, vốn ngày càng nhắm vào người Trung Quốc.
Đường đến thành phố cấm Shwe Kokko
Kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2017, Shwe Kokko đã trở thành một nơi bị cấm, du khách bình thường không thể đặt chân đến. Khi nội chiến ở Myanmar leo thang sau cuộc đảo chính năm 2021, việc tới thành phố này càng trở nên khó khăn hơn. Từ trung tâm thương mại Yangoon tới Shwe Kokko phải mất 3 ngày, trong khi đi từ Thái Lan sang chỉ mất vài phút nhưng việc khởi hành phải được lên kế hoạch cẩn thận để tránh cảnh sát và quân đội tuần tra.
Theo phóng viên BBC, thoạt nhìn Shwe Kokko có vẻ ngoài giống như một thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc. Biển báo trên các tòa nhà được viết bằng chữ Trung Quốc, đoàn xe xây dựng Trung Quốc liên tục đến và đi từ các công trường xây dựng.
Đại diện của Yatai cho hay, người giàu từ nhiều quốc gia đã tới đây thuê biệt thự và kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn những người mà phóng viên BBC gặp đều là người Karen bản địa - một trong những nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar. Họ tới Shwe Kokko hàng ngày để làm việc.
Người đại diện của Yatai cho hay, bây giờ ở Shwe Kokko không còn lừa đảo. Họ đã dựng nhiều tấm bảng lớn ở khắp thành phố với dòng chữ bằng tiếng Anh, Trung Quốc và Myanmar rằng lao động cưỡng bức là trái phép và các doanh nghiệp trực tuyến phải rời đi. Tuy nhiên, người dân địa phương đã bí mật nói với phóng viên BBC rằng các hoạt động lừa đảo vẫn đang diễn ra.
Cách đây một thập niên, những kẻ lừa đảo bắt đầu xuất hiện trong cơn sốt đầu tư không kiểm soát chặt của Trung Quốc vào bờ biển Campuchia, sau đó chuyển đến vùng đất hoang vu bất hợp pháp ở biên giới Myanmar và Trung Quốc, rồi cuối cùng định cư dọc biên giới Thái Lan và Myanmar.
Những vụ lừa đảo nhỏ ban đầu giờ đã phát triển thành hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỷ USD. Chúng liên quan tới hàng nghìn lao động đến từ Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ. Những lao động này bị giam giữ trong các khu nhà có tường bao quanh, nơi họ lừa tiền của mọi người trên khắp thế giới qua mạng.
Một số người làm việc đó một cách tự nguyện, một số khác bị bắt cóc và buộc phải làm. Những người trốn thoát khỏi Shwe Kokko cho biết đã bị đánh đập, tra tấn.
Công nhân lừa đảo lên tiếng
![She Zhijiang. Ảnh: BBC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_23_51462064/86cd2e791e37f769ae26.jpg)
She Zhijiang. Ảnh: BBC
Một phụ nữ trẻ từng làm việc tại một trung tâm lừa đảo trực tuyến cho biết, cô làm việc trong nhóm người mẫu, nơi tập trung phụ nữ trẻ, hấp dẫn, chuyên liên hệ với các nạn nhân tiềm năng và cố gắng xây dựng mối quan hệ thân mật qua mạng với con mồi.
"Mục tiêu nhắm tới là người già. Bạn sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện với câu: Ồ, bạn giống hệt một người bạn của tôi. Sau khi kết bạn, làm thân, cuộc trò chuyện sẽ chuyển sang các chương trình làm giàu nhanh chóng, như đầu tư tiền điện tử là cách kiếm tiền nhanh nhất".
Người phụ nữ cho biết thêm, khi nạn nhân cảm thấy gần gũi với bạn, họ sẽ được chuyển sang nói chuyện với những người chuyên thuyết phục mua cổ phiếu của công ty tiền điện tử.
Trong thời gian ngắn ngủi ở Shwe Kokko, phóng viên BBC chỉ được phép xem những gì Yatai muốn trưng ra. Dù vậy, rõ ràng là các vụ lừa đảo vẫn chưa dừng lại và có lẽ vẫn là hoạt động kinh doanh chính trong thành phố.
Yêu cầu được vào trong bất kỳ tòa nhà văn phòng nào mới xây đều bị từ chối. Họ liên tục nói với phóng viên BBC rằng đó là tòa nhà tư nhân. BBC được phép quay phim các công trình xây dựng và bên ngoài các tòa nhà, song không được phép vào trong. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nhìn từ ngoài, có nhiều cửa sổ có song sắt bên trong.
"Mọi người ở Shwe Kokko đều biết những gì diễn ra ở đó", người phụ nữ trẻ từng làm ở trung tâm lừa đảo cho hay. Cô này bác bỏ tuyên bố của Yatai rằng họ không cho phép các trung tâm lừa đảo hoạt động ở Shwe Kokko. "Nói dối. Không đời nào họ không biết, cả thành phố đang làm điều đó trong những tòa nhà cao tầng như vậy. Không ai đến đó để giải trí. Không đời nào Yatai không biết".