Bến Tre: Hiệu quả từ phong trào thi đua do Hội LHPN tỉnh phát động
Phong trào thi đua 'Xây dựng người phụ nữ Bến Tre tự tin - nhân ái - nghĩa tình - phát triển toàn diện' đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào đã trở thành động lực lớn giúp phụ nữ Bến Tre tự tin, góp phần xây dựng hình mẫu người phụ nữ biết yêu thương và luôn khát vọng vươn lên.
Từ năm 2021 đến nay, phong trào thi đua với các tiêu chí "có sức khỏe, có đạo đức, có tri thức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội" do Hội LHPN tỉnh Bến Tre phát động đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.
Không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho phụ nữ, phong trào còn thúc đẩy các giá trị gia đình, hỗ trợ kinh tế, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trong tỉnh, mang lại nhiều thay đổi tích cực trong xã hội.
171 trang fanpage với gần 12.000 tin, bài được đăng tải
Một trong những thành công lớn của phong trào là công tác tuyên truyền, giáo dục. Bằng cách tận dụng mạnh mẽ công nghệ số, mạng xã hội và các trang fanpage của Hội, Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và xã hội về các giá trị sống, phòng chống bạo lực gia đình và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Với 171 trang fanpage, các cấp Hội đã đăng tải 11.935 tin, bài trên mạng xã hội, thu hút hơn 166.579 lượt tương tác và theo dõi. Riêng trang web Phụ nữ xứ dừa đã đăng tải 6.400 tin bài và phát sóng 30 kỳ chuyên mục "Vì sự phát triển phụ nữ" giúp hơn 92% hội viên tiếp cận thông tin.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, đã có 9/9 huyện, thành phố và 157 cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào sát với thực tế từng địa phương. Bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, cơ sở Hội đã vận dụng sáng tạo các phương pháp tuyên truyền truyền thống như: truyền thông nhóm nhỏ, tuyên truyền lưu động, tọa đàm, hội thi kiến thức,…
Hội các cấp đã tổ chức 173 buổi truyền thông và hội thảo (vượt 200% chỉ tiêu đề ra) với nội dung như: giáo dục tiền hôn nhân, phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em, tọa đàm về phòng, chống xâm hại trẻ em, phiên tòa giả định…
Bên cạnh đó, có gần 1.000 hội viên tham gia "Diễu hành Áo Bà ba" và các chương trình như: "Tuần lễ Áo dài", "Tuần lễ Áo bà ba" đã tạo nên sức hút lớn trong cộng đồng, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, ý thức trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình và xã hội, đồng thời qua các hoạt động còn giúp phụ nữ tự tin để khẳng định bản thân trên các lĩnh vực.
Lan tỏa nhiều cách làm, mô hình hiệu quả
Phong trào không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà còn tổ chức các hoạt động thiết thực. Các cấp Hội đã duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình như: 232 mô hình dịch vụ gia đình, 312 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; điểm trợ giúp pháp lý; câu lạc bộ phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình; câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, phụ nữ trí thức… đã kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, phụ nữ, trẻ em; giúp phụ nữ hoàn thiện và nâng cao năng lực bản thân.
Một trong những điểm sáng của phong trào là việc hỗ trợ kinh tế và khởi nghiệp cho phụ nữ. Các cấp Hội đã duy trì, giải ngân 3.750 tỷ đồng thông qua hơn 3.097 tổ phụ nữ tiết kiệm, giúp 79.337 phụ nữ có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, các mô hình tiết kiệm như "Heo đất tiết kiệm", "Tổ phụ nữ tiết kiệm" đã huy động được 176 tỷ đồng, hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn kinh tế. Phong trào còn phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút 437 ý tưởng, trong đó 69 ý tưởng đã lọt vào vòng chung kết và nhận được sự hỗ trợ thực hiện. Các hợp tác xã và tổ hợp tác do phụ nữ quản lý cũng phát triển mạnh, với 23 hợp tác xã và 219 tổ hợp tác, góp phần tạo việc làm cho 2.549 thành viên.
Ngoài ra, để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ số, các cấp Hội đã thành lập trên 60 tổ phụ nữ tiết kiệm mua điện thoại thông minh, có gần 800 thành viên tham gia, đã mua trên 300 điện thoại thông minh giúp phụ nữ nâng cao kiến thức và xây dựng nếp sống văn minh.
Phong trào đã kịp thời khen thưởng và tôn vinh 5.408 gương điển hình tiên tiến (999 tập thể, 4.409 cá nhân) trên nhiều lĩnh vực. Giải thưởng "Phụ nữ Đồng Khởi mới" đã được trao cho 52 cá nhân và tập thể có thành tích nổi bật, lan tỏa hình ảnh người phụ nữ Bến Tre tự tin, nhân ái và phát triển toàn diện. Những mô hình hiệu quả như "Mẹ đỡ đầu", "Tổ phụ nữ pháp luật và chuyển đổi số" đã giúp hàng nghìn phụ nữ vượt khó, khởi nghiệp và ổn định cuộc sống.
Theo Hội LHPN tỉnh Bến Tre, phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Bến Tre tự tin - nhân ái - nghĩa tình - phát triển toàn diện" đã trở thành động lực lớn giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh tự tin và phát triển toàn diện, góp phần xây dựng hình mẫu người phụ nữ biết yêu thương và luôn khát vọng vươn lên. Những thành tựu đạt được từ phong trào không chỉ thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ tỉnh nhà mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước xây dựng Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Bến Tre tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các loại hình truyền thông mới; chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng gương điển hình có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện phong trào. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Tăng cường các hoạt động phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.