Bến Tre công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030
Theo quy hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.
Sáng 5/12, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm công bố rộng rãi các nội dung của quy hoạch tỉnh và thông tin, truyền tải định hướng phát triển tỉnh Bến Tre trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh đã lập quy hoạch theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Quá trình lập quy hoạch đã được tiến hành các bước theo đúng luật định; đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình và hoàn tất các hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. Đó là những thuận lợi to lớn để giúp Bến Tre trở thành tỉnh thứ 22 của cả nước và tỉnh thứ 7 của vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Theo ông Trần Ngọc Tam, quy hoạch tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông, với điểm nhấn là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển, nhằm phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Cùng đó, quy hoạch tỉnh cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư, phát triển tại Bến Tre.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bến Tre có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giới thiệu và khẳng định tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của Bến Tre trong tương lai; mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát huy nội lực và tận dụng các hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh thực hiện điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch cấp cao hơn để phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật để huy động và bố trí các nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của quy hoạch; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.
UBND tỉnh tăng cường quản lý đầu tư, thu hút đầu tư theo quy hoạch được duyệt; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương để đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án trọng điểm theo danh mục ưu tiên trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, nhất là các công trình, dự án có tính liên vùng như cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh, cầu Ba Lai 8, cầu Cửa Đại, cầu Cổ Chiên, cầu Đình Khao nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre,… nhằm tạo ra không gian mới để phát triển, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo động phát triển bứt phá cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới...
Theo quy hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Theo đó, mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10-10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%... Đến năm 2050, Bến Tre sẽ trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống, có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại; môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch xác định các đột phá phát triển, gồm phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; trong đó, với ngành công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp gia công kim loại; sản xuất, lắp ráp thiết bị và cụm linh kiện điện, điện cơ, cơ điện tử; công nghiệp sản xuất điện (năng lượng tái tạo, năng lượng mới), công nghiệp hóa chất; khuyến khích các nhà đầu tư tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo quy hoạch, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre được tổ chức thành 3 vùng kinh tế-xã hội và 5 hành lang kinh tế; trong đó, ba vùng kinh tế - xã hội gồm vùng ven biển phía Đông của tỉnh; vùng Bắc sông Hàm Luông (gồm thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm); vùng Nam sông Hàm Luông (gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách). Năm hành lang kinh tế gồm: 3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông (Hành lang kinh tế hướng Đông); 2 hành lang phát triển theo hướng Bắc – Nam.