Bài 1: Đà Nẵng không có 'đất diễn' cho tội phạm hình sự
Vượt qua những khó khăn, thách thức của bối cảnh chung, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã bền bỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), góp phần xây dựng TP Đà Nẵng đáng sống và đáng đến.
Sau rất nhiều nỗ lực, đấu tranh kiên trì, quyết liệt của lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS), đến nay có thể khẳng định tại địa bàn Đà Nẵng không có tội phạm hoạt động băng nhóm theo hình thức xã hội đen. Cùng với đó, các loại tội phạm cướp giật tài sản, thanh thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng đều bị trấn áp kịp thời. Thượng tá Lê Văn Tín - Phó trưởng phòng CSHS cho biết, Đà Nẵng là địa bàn du lịch, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, Giám đốc Công an TP, bằng mọi giải pháp ngăn chặn, xử lý không để tội phạm cướp giật hoạt động trên địa bàn, gây bất an cho người dân, du khách. Do đó, khi xảy ra vụ cướp giật, đơn vị đã tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp từ quận huyện đến phường xã truy xét nhanh.
Theo Thượng tá Lê Văn Tín, tội phạm cướp giật trên địa bàn là có, nhưng xảy ra vụ nào là triệt phá, bắt ngay đối tượng vụ đó. Từ đầu năm đến nay đơn vị đã bắt, xử lý 34 vụ, 39 đối tượng, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 100%. Trong dịp nghỉ lễ đầu tháng 9 vừa qua, đơn vị đã huy động lực lượng làm đêm ngày, xuyên lễ để điều tra, bắt đối tượng Nguyễn Hữu Tuyền (42 tuổi). Đối tượng này có 4 tiền án về tội cướp giật, từ Hải Phòng vào Đà Nẵng gây ra 5 vụ cướp giật chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng. Việc khẩn trương truy xét, bắt các đối tượng cướp giật sẽ ngăn chặn không để chúng gây ra các vụ mới, làm phức tạp địa bàn, ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của một TP du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng.
Cũng tại Đà Nẵng, vào khoảng giữa năm 2023 rộ lên tình trạng thanh thiếu niên lên mạng hẹn hò, sử dụng hung khí “hỗn chiến” gây bức xúc, bất an trong nhân dân. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, cũng là tình trạng chung tại nhiều đô thị lớn cả nước. Tuy vậy, lực lượng CSHS Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp khống chế, ngăn chặn hiệu quả. Thượng tá Lê Văn Tín đánh giá, việc Đà Nẵng có các lực lượng tuần tra 911, 8394 hùng hậu đã chủ động kiểm tra, thu giữ hung khí ngay khi đối tượng khả nghi lưu thông trên đường, ngăn chặn điều kiện để chúng tụ tập “hỗn chiến” ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, cách tuyên truyền đúng đối tượng của Đà Nẵng cũng phát huy hiệu quả. Chẳng hạn vừa qua khi mở phiên tòa lưu động tại nhà hát Trưng Vương xét xử 16 bị can là trẻ vị thành niên gây rối trật tự công cộng đã mời 448 đối tượng thanh thiếu niên trong diện quản lý, đã vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật trên toàn TP đến chứng kiến. Những bản án thích đáng, kể cả án tù giam cho đối tượng đủ tuổi có tác dụng tuyên truyền, giáo dục đến các trẻ em nguy cơ vi phạm khác. “Ngoài ra chỉ thị 35 của Thành ủy đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, ban ngành, ai cũng có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục trẻ em hư, do đó đã góp phần giảm hẳn tình trạng trẻ em hư tụ tập gây rối”, Thượng tá Lê Văn Tín chia sẻ.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm mới, có trình độ công nghệ, thủ đoạn hết sức tinh vi, đấu tranh rất khó khăn. Thượng tá Lê Văn Tín đánh giá, muốn bắt được tội phạm sử dụng công nghệ cao thì lực lượng phải có trình độ công nghệ cao hơn chúng một bậc. Muốn như vậy chỉ có con đường tự học, tự đào tạo, tự trang bị tri thức. Có thể phương tiện còn khó khăn, nhưng tự đào tạo, có trình độ tốt, sẽ có giải pháp tiếp cận, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.
Đơn cử mới đây đơn vị đã triệt phá, bắt 2 đối tượng ở Triệu Phong (Quảng Trị) hack facebook lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của 500 nạn nhân. Những facebook mà chúng chiếm quyền kiểm soát là người Việt sinh sống ở nước ngoài, tức là phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Thủ đoạn của chúng rất xảo quyệt, tinh vi. Sau khi lừa chiếm được tiền của nạn nhân chúng mua tài khoản ngân hàng giả, chuyển lòng vòng rồi mua tài khoản game, chuyển qua tiền ảo… mục đích để làm mất dấu dòng tiền. Đối tượng phạm tội thủ đoạn ma mãnh, nếu cán bộ chiến sĩ không có trình độ công nghệ, không tự trang bị tri thức về tài chính, ngân hàng… rất khó tiếp cận, đấu tranh được với chúng.
Tội phạm dùng công nghệ cao lừa đảo rất tinh vi, ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Do đó, lực lượng CSHS đã tập trung đấu tranh mạnh, thời gian qua đã bóc gỡ nhiều vụ lớn, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhiều vụ, nhiều đối tượng từ phía Bắc vào Đà Nẵng hoạt động cho vay lãi nặng đã bị lực lượng CSHS triệt phá, bắt giữ. Hệ lụy của tội phạm tín dụng đen rất nặng nề vì từ đó sẽ kéo theo các loại tội phạm khác như đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép, khủng bố… Tuy nhiên, với tinh thần quyết liệt trấn áp tội phạm tín dụng đen, đơn vị đã đấu tranh, khám phá nhiều chuyên án lớn. Nổi bật như triệt phá toàn bộ đường dây tổ chức cho vay lãi nặng do Wang YunTao (quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu, quy mô giải ngân 2 triệu lượt vay cho hơn 1,3 triệu người với số tiền cho vay gần 9.000 tỷ đồng, lãi suất từ 500-1.000%/năm, thu lời bất chính hơn 2.500 tỷ đồng. Đường dây lập 10 công ty, thuê người làm, phân chia thành các bộ phận để sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động cho vay thông qua 3 ứng dụng "Ơi vay", "Yoloan", "Vdong" trên thiết bị di động và giao nhận tiền vay, lãi vay qua tài khoản ngân hàng.
Theo Thượng tá Lê Văn Tín, qua những vụ án lớn cho thấy để đấu tranh với các loại tội phạm có sử dụng công nghệ cao ngoài trình độ nghiệp vụ, kiến thức tổng hợp, cán bộ chiến sĩ phải có quyết tâm chính trị, càng khó càng phải quyết tâm, nhất là bảo vệ người dân.
Đấu tranh với tội phạm mới là đấu về trí, dũng. Trong cuộc chiến phức tạp, cam go này lực lượng CSHS luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an TP. Mới đây, Giám đốc Công an TP đã tăng cường thêm 10 nhân sự có năng lực, trách nhiệm, đạo đức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho Phòng CSHS. Với sự chỉ đạo của Giám đốc, sự quyết tâm của cán bộ chiến sĩ, thời gian qua lực lượng CSHS đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh phòng chống hiệu quả với các loại tội phạm về trật tự xã hội, góp phần giữ vững bình yên cho TP.
(còn nữa)