Bé trai 4 tuổi suýt chết vì cúm A/H1N1, bệnh nguy hiểm như thế nào?

Bé trai 4 tuổi bị ho sốt, nhập viện khó thở, lơ mơ... được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chẩn đoán và cấp cứu thành công do mắc cúm A/H1N1. Vậy, cúm A/H1N1 có nguy hiểm không?

Cúm A/H1N1 là bệnh hô hấp rất dễ lây lan

Cúm A/H1N1 là bệnh hô hấp rất dễ lây lan. Virus có thể lây truyền sang người qua tiếp xúc với lợn bị nhiễm bệnh hoặc từ người sang người thông qua tiếp xúc, môi trường/vật thể nhiễm virus.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch vào tháng 6 năm 2009. Nhưng cho đến nay, chủng cúm A/H1N1 đã trở thành một trong những chủng gây bệnh cúm theo mùa cần chủ động phòng ngừa.

Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, các biện pháp phòng ngừa dịch cúm nói chung và cúm lợn nói riêng vẫn được chú trọng do nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Người lành khi tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn mang virus cúm lợn từ người bệnh hoặc tay chứa virus do chạm vào khăn giấy, bề mặt vật dụng,... của người bị bệnh.

Bệnh cúm A/H1N1 dễ dàng lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khu vực dân cư đông đúc và điều kiện y tế còn hạn chế.

Những người nhiễm cúm A/H1N1 có những biểu hiện như cúm thông thường. Ảnh minh họa

Những người nhiễm cúm A/H1N1 có những biểu hiện như cúm thông thường. Ảnh minh họa

Thời gian ủ bệnh cúm A/H1N1 dao động từ 1 đến 4 ngày, trung bình là khoảng 2 ngày ở hầu hết các người bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 7 ngày. Thời kỳ lây nhiễm ở người lớn bắt đầu khoảng 1 ngày trước khi các triệu chứng phát triển và kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày sau khi người đó xuất hiện các triệu chứng. Thời gian lây nhiễm có thể dài hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu và trẻ em (ví dụ 10 đến 14 ngày).

Biểu hiện cúm A/H1N1

Cúm A/H1N1 gây ra hầu hết các triệu chứng ở đường hô hấp trên và dưới. Những trường hợp nhẹ thường biểu hiện một vài thay đổi bất thường ở đường hô hấp, nhưng những trường hợp nặng có thể biểu hiện rõ ràng những thay đổi giống như một người mắc bệnh viêm phổi.

Các triệu chứng nhiễm cúm A/H1N1 thường xuất hiện trong khoảng 1 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

Những người nhiễm cúm A/H1N1 có những biểu hiện như cúm thông thường với các triệu chứng của một bệnh lý hô hấp cấp. Các triệu chứng bao gồm ít nhất hai trong số sau: chảy mũi nước hoặc nghẹt mũi; đau họng; ho; sốt…

Ngoài ra, những người mắc cúm A/H1N1 có thể có những triệu chứng điển hình khác của cúm như: đau nhức mình, nhức đầu; ớn lạnh, mệt mỏi; có thể tiêu chảy và nôn mửa…

Cúm A/H1N1 nguy hiểm như thế nào?

Mặc dù hầu hết những trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 hiện nay đều tự khỏi bệnh nhưng cần lưu ý, bệnh vẫn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Một số biến chứng phổ biến của cúm A/H1N1 bao gồm:

Làm tăng nặng các bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim và hen suyễn;
Viêm phổi;
Gặp các biến chứng thần kinh như lú lẫn, co giật;
Suy hô hấp;
Viêm phế quản;
Đau cơ,…

Vì vậy, nếu một người nghi ngờ hoặc đã được xác định nhiễm virus cúm A/H1N1 với những biểu hiện sau cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

Khó thở kéo dài, thở hụt hơi;
Đau ngực;
Có các dấu hiệu mất nước như không đi tiểu dù vẫn bổ sung nước đầy đủ;
Chóng mặt kéo dài;
Co giật;
Suy nhược nghiêm trọng hoặc đau cơ dữ dội;
Lú lẫn, kém tỉnh táo...

Các triệu chứng nguy hiểm ở trẻ em khi nhiễm cúm A/H1N1 có thể bao gồm:

Khó thở;
Da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt, xám hoặc xanh tùy thuộc vào màu da;
Đau ngực;
Mất nước;
Đau cơ nghiêm trọng;
Co giật;
Lú lẫn, kém tỉnh táo, chìm vào hôn mê…

Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên để phòng bệnh.

Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên để phòng bệnh.

Lời khuyên thầy thuốc

Hầu hết những người bị cúm A/H1N1 khỏe mạnh không cần dùng thuốc và ở nhà tự điều trị nếu có chỉ định của bác sĩ. Nếu bị cúm A/H1N1, nên nghỉ ngơi nhiều, uống đủ lượng nước, ăn các thức ăn nhẹ, uống acetaminophen để hạ sốt và giảm đau nhức theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu bị bệnh nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus có thể rút ngắn thời gian bị bệnh và giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất nếu bắt đầu dùng chúng khi các triệu chứng của bệnh vừa bắt đầu.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm A/H1N1 là tiêm chủng ngừa cúm hàng năm. Các cách khác để ngăn ngừa nhiễm và lây lan cúm A/H1N1 bao gồm: Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi hắt hơi hoặc ho. Nếu không có khăn giấy, hãy hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay. Rửa tay bằng xà phòng và nước. Đừng chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Tránh tiếp xúc những người bị bệnh. Ở nhà nếu bị bệnh. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như cốc, ống hút và đồ dùng.

Bé trai 4 tuổi béo phì suýt chết vì cúm A/H1N1

Bé trai 4 tuổi ở TPHCM ho sốt, nhập viện thở nặng nhọc, lơ mơ, bác sĩ chẩn đoán nguy kịch do cúm A/H1N1.

Bé được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cấp cứu trong tình trạng nhịp thở nhanh 50 lần/phút, lồng ngực co kéo, môi tím, nồng độ oxy máu tụt sâu, huyết áp tụt. Bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy thông số cao, truyền dịch chống sốc và thêm thuốc trợ tim mạch nhằm nâng huyết áp lên mức an toàn.

Sau một giờ, huyết áp bé tăng song nồng độ oxy máu cải thiện rất chậm. Các bác sĩ nhận định bé viêm phổi nặng diễn tiến nhanh tới suy hô hấp gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhi được lọc máu để loại bỏ các chất gây viêm dẫn đến hội chứng này, truyền kháng sinh, uống thuốc kháng siêu vi cúm.

Kết quả xét nghiệm PCR mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1N1 (chủng pdm 2009). Sau một ngày điều trị tích cực, tình trạng oxy trong máu ổn định, bé được giảm các thông số máy thở cũng như giảm liều thuốc hỗ trợ tim mạch. Một tuần sau, bé tỉnh táo, ngưng lọc máu, ngưng máy thở, được tập vật lý trị liệu phục hồi vận động và hô hấp. Hiện bé đã xuất viện.

BSCKI Phạm Hồng Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-trai-4-tuoi-suyt-chet-vi-cum-lon-benh-nguy-hiem-nhu-the-nao-169240917193748817.htm
Zalo