Bế tắc giữa 2 cực nam châm: Sinh kế và chi trả can thiệp y học của người chuyển giới

Chuyển giới là một vấn đề pháp lý và xã hội liên quan đến quyền nhân thân của mỗi cá nhân. Trong khoảng 3 thập kỷ qua, quyền của những người chuyển đổi giới tính, hay còn gọi là quyền được chuyển giới, đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế.

 Ảnh minh họa: Pinterest

Ảnh minh họa: Pinterest

Luật bình đẳng giới (2006) đã phân biệt hai khái niệm giới và giới tính. Theo đó, giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội; Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ. Như vậy, khái niệm "chuyển đổi giới tính" sẽ gắn liền và bắt buộc một cá nhân phải thực hiện các can thiệp y khoa để thay đổi đặc điểm sinh học của họ từ nam thành nữ hoặc ngược lại. Đã có rất nhiều thảo xã hội luận xoay quanh vấn đề "người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải can thiệp y học" và quan điểm này đã vấp phải rất nhiều phản đối từ phía cộng đồng người chuyển giới.

Tờ thông tin Chiến dịch truyền thông toàn cầu Free & Equal năm 2023

Tờ thông tin Chiến dịch truyền thông toàn cầu Free & Equal năm 2023

Vào năm 2022, tổ chức IT'S T TIME phối hợp với Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã thực hiện một nghiên cứu nhằm tìm ra các quan điểm về ý kiến bắt buộc người chuyển giới phải can thiệp y học. Trong đó nổi lên nhận định: "Không phải ai cũng có đủ sức khỏe hay kinh tế để can thiệp y tế". Một số bạn mắc bệnh nền, như bệnh tim, cho biết rằng việc tiêm hoặc uống hormone có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, những người có tiền sử dị ứng cũng gặp khó khăn trong việc phẫu thuật, do các rủi ro liên quan đến thuốc gây mê.

Tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay của những người tham gia trả lời trong nghiên cứu này dao động từ 23.000.000 đồng đến 1.592.500.000 đồng. Với nhóm chuyển giới nam, chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng; với nhóm chuyển giới nữ, chi phí trung bình này là hơn 128 triệu đồng. Cụ thể hơn, chi phí trung bình cho phẫu thuật ngực ở nhóm chuyển giới nam là gần 87 triệu đồng, ở nhóm chuyển giới nữ là gần 98 triệu đồng. Chi phí trung bình cho phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục ở nhóm chuyển giới nữ là 667 triệu đồng. Nhóm chuyển giới nam trung bình trả 99 triệu đồng cho những phẫu thuật thẩm mỹ khác, trong khi nhóm chuyển giới nữ trung bình trả 31,6 triệu đồng cho những phẫu thuật này.

Vậy người chuyển giới đã và đang làm gì để chi trả cho số tiền phẫu thuật không hề nhỏ này? Theo báo cáo của Hiệp hội Đồng tính, Song tính, Chuyển giới và Liên giới tính Quốc tế (International Lesbian, Gay, Bisexual, Trans and Intersex Association ILGA) (2019), khoảng 47% người chuyển giới ở châu Âu đã từng trải qua phân biệt đối xử trong môi trường làm việc.

Ảnh minh họa: Pinterest

Ảnh minh họa: Pinterest

Tại Việt Nam, nghiên cứu về người chuyển giới trong môi trường việc làm của TS Hoàng Tú Anh (năm 2016) chỉ ra rằng 52% người chuyển giới nhận phần lớn thu nhập từ gia đình và bạn bè (những công việc không được tuyển dụng chính thức). Người tham gia của nghiên cứu này cũng cho biết rằng, các nhà tuyển dụng nói rằng họ sẽ ưu tiên nhân viên không phải là người chuyển giới.

Vấn đề việc làm không chỉ đơn thuần là một yếu tố kinh tế, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quyền con người và sự công bằng xã hội. Khi bàn luận sâu hơn về rào cản kinh tế trong vấn đề can thiệp y học của người chuyển giới, rõ ràng, đây không chỉ là vấn đề cục bộ tại một quốc gia.

Theo báo cáo "The Report of the 2015 U.S. Transgender Survey" của Trung tâm quốc gia về bình đẳng cho người chuyển giới (National Center for Transgender Equality), khoảng 23% người chuyển giới tại Mỹ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết do chi phí cao, và 30% trong số họ không có bảo hiểm y tế, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả cho phẫu thuật và liệu pháp hormone.

Theo một báo cáo khác vào năm 2022, 25% người chuyển giới báo cáo có lịch sử bị từ chối dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ các nhà cung cấp. Những nghiên cứu này cho thấy rõ ràng rằng rào cản kinh tế là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận can thiệp y tế của người chuyển giới trên toàn cầu.

Như vậy, rào cản kinh tế là một trong những thách thức lớn nhất mà người chuyển giới phải đối mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ hội việc làm. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển cá nhân mà còn tạo ra một vòng xoáy nghèo đói và kỳ thị. Để giải quyết vấn đề này, cần có những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng, nhằm tạo ra một môi trường bình đẳng và thân thiện hơn cho người chuyển giới. Việc đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề và các chương trình hỗ trợ tài chính sẽ giúp họ vượt qua những rào cản kinh tế, khẳng định bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.

Nguồn: Theo thông tin từ Tổ chức IT'S T TIME

Đắc Thị Kiều Hồng (Trưởng ban Nâng cao năng lực của tổ chức IT’S T TIME)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/be-tac-giua-2-cuc-nam-cham-sinh-ke-va-chi-tra-can-thiep-y-hoc-cua-nguoi-chuyen-gioi-20240930211141411.htm
Zalo