Bế mạc Olympic Paris 2024 và bài học của Thể thao Việt Nam

Sau hơn nửa tháng diễn ra Olympic Paris 2024, buổi Lễ bế mạc diễn ra lúc 2 giờ sáng (giờ Việt Nam), ngày 12-8 trao cờ đăng cai cho Ban tổ chức Los Angeles 2028, và thêm một mùa nữa, Thể thao Việt Nam không có huy chương nào.

Sau gần ba tuần diễn ra các cuộc tranh tài thể thao khó quên, Olympic Paris 2024 chính thức khép lại với Lễ bế mạc tại sân Stade de France vào sáng sớm 12-8.

Lễ bế mạc truyền thống

Ngược lại với Lễ khai mạc được tổ chức trên Sông Seine, Lễ bế mạc Thế vận hội là một sự kiện truyền thống hơn, diễn ra bên trong sân vận động Stade de France chật kín với 80.000 khán giả. Lễ bế mạc tôn vinh thành tích của các vận động viên và thành công của thành phố chủ nhà, Paris.

Thomas Jolly, đạo diễn sân khấu và diễn viên người Pháp, là giám đốc nghệ thuật Lễ khai mạc, bế mạc Olympic Paris 2024 đã thiết kế một sân khấu độc đáo chật kín các nghệ sĩ, vũ công, diễn viên nhào lộn và những màn biểu diễn bất ngờ để chào mừng sự kết thúc của Thế vận hội năm nay và hướng đến Los Angeles năm 2028. Các màn biểu diễn nghệ thuật chủ yếu giới thiệu nền văn hóa của Pháp - quốc gia đăng cai Olympic Paris 2024, và Mỹ, quốc gia tổ chức Thế vận hội tiếp theo, sau bốn năm nữa.

 Tạm biệt Thế vận hội Paris 2024, hẹn gặp lại Olympic Los Angeles 2028. Ảnh: GETTY.

Tạm biệt Thế vận hội Paris 2024, hẹn gặp lại Olympic Los Angeles 2028. Ảnh: GETTY.

Bế mạc Olympic Paris 2024 có cuộc diễu hành thường lệ của các vận động viên, màn trình diễn cờ của các quốc gia tham gia và màn hạ cờ Thế vận hội. Tiếp đến là nghi lễ dập tắt ngọn lửa Olympic và chuyển cờ Olympic cho Ban tổ chức Los Angeles 2028, đánh dấu sự chuyển giao sang Thế vận hội mùa hè tiếp theo. Màn cuối cùng là nghi thức bàn giao từ thành phố chủ nhà từ Paris sang Los Angeles, trong đó Thị trưởng Paris Anne Hidalgo sẽ trao cờ Olympic cho Thị trưởng Los Angeles Karen Bass.

Ngọn lửa của Thế vận hội dành cho người khuyết tật, diễn ra từ ngày 28-8 đến ngày 8-9, sẽ được thắp sáng ngay sau Lễ bế mạc Olympic Paris 2024. Trước đó, từ ngày 25-8 đến ngày 28-8, có khoảng 1.000 người sẽ mang ngọn lửa Paralympic đến 50 thành phố trên khắp nước Pháp như một phần của lễ rước đuốc Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris 2024.

Thể thao Việt Nam (TTVN) học hỏi gì ở Thế vận hội?

Có gần 11.000 vận động viên (VĐV) đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt tranh tài 32 môn thể thao với 329 bộ huy chương. TTVN trong khu vực Đông Nam Á có lực lượng khiêm tốn 16 VĐV thi đấu 11 môn và không giành huy chương nào. Như vậy, trong hai kỳ Olympic liên tiếp (2020 và 2024), TTVN đều trắng tay, sau lần tay súng Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016.

 16 VĐV Việt Nam tranh tài ở Thế vận hội 2024. Ảnh: CCT.

16 VĐV Việt Nam tranh tài ở Thế vận hội 2024. Ảnh: CCT.

Mùa này, Philippines tham dự Olympic Paris 2024 với 22 VĐV, giành 2 HCV, 2HCĐ; Indonesia có 29 VĐV giành 2 HCV, 1 HCĐ; Thái Lan có 51 VĐV giành 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ; Malaysia có 26 VĐV giành 2 HCĐ; Singapore có 23 VĐV giành 1 HCĐ.

Một thiệt thòi khác của người hâm mộ thể thao Việt Nam vì các nhà đài không có bản quyền Olympic Paris 2024 đã không thể chứng kiến những màn tranh tài sôi nổi của xạ thủ Trịnh Thu Vinh với những đối thủ hàng đầu thế giới, để xếp hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi, hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao. Duy nhất Thu Vinh là VĐV của TTVN vào chung kết các nội dung thi đấu của mình tại Olympic Paris 2024.

 Tay súng Thu Vinh xếp hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi, là VĐV Việt Nam duy nhất lọt vào vòng chung kết nội dung thi đấu của mình. Ảnh: CCT.

Tay súng Thu Vinh xếp hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi, là VĐV Việt Nam duy nhất lọt vào vòng chung kết nội dung thi đấu của mình. Ảnh: CCT.

Niềm hy vọng huy chương khác là Trịnh Văn Vinh của hạng 61kg môn cử tạ không vượt qua chính mình trong ba lần cử giật. Hai tay vợt cầu lông Đức Phát và Thùy Linh đều không thể qua vòng bảng nội dung đơn nam, nữ. Tương tự, Quốc Phong, Ánh Nguyệt môn bắn cung sớm bị loại ở các vòng bảng.

Đáng tiếc cho Phạm Thị Huệ (rowing) và Nguyễn Thị Hương (Canoeing) đều vượt qua vòng bảng rồi cùng rơi rụng ở tứ kết. Các môn võ (Judo, Boxing), bơi, xe đạp, điền kinh của TTVN đều không phải là đối thủ của những VĐV hàng đầu thế giới ở sân chơi khắc nghiệt.

 Nguyễn Thị Hương vượt qua vòng loại Canoeing nhưng không thể vào tứ kết. Ảnh: CCT.

Nguyễn Thị Hương vượt qua vòng loại Canoeing nhưng không thể vào tứ kết. Ảnh: CCT.

Dù không có huy chương nào ở Thế vận hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh trong chuyến thăm Làng Olympic và động viên tinh thần các tuyển thủ “đến với Olympic Paris 2024 là thành tích rất đáng tự hào rồi”.

ĐĂNG HUY - ANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/be-mac-olympic-paris-2024-va-bai-hoc-cua-the-thao-viet-nam-post804717.html
Zalo