Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc
Sáng 22/10, tại Ðại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã bế mạc sau bảy ngày làm việc. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì; hơn 2.300 đại biểu dự phiên bế mạc.
Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã biểu quyết thông qua các nghị quyết của Đại hội về Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, Báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XIX và Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc, với những quyết sách và thành quả sẽ đóng vai trò chỉ đạo và bảo đảm quan trọng cho việc xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy sự phục hưng dân tộc, giành thắng lợi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, các đại biểu Đại hội phải kiên định niềm tin lý tưởng, học tập và lĩnh hội lý luận, đường lối, phương châm, chính sách của Đảng; học tập, tuân thủ, quán triệt và bảo vệ Điều lệ Đảng, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân; đồng thời, kêu gọi toàn Đảng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đoàn kết dẫn dắt toàn thể nhân dân phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra.
Nghị quyết của Đại hội xác định, nhờ những kết quả có được trong 5 năm nhiệm kỳ qua và 10 năm thời đại mới, Trung Quốc đã bước lên chặng đường mới, xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, hướng tới mục tiêu phục hưng dân tộc vào giữa thế kỷ này. Nhiệm vụ trung tâm kể từ nay trở đi của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lãnh đạo nhân dân xây dựng toàn diện cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy phục hưng dân tộc bằng con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Điều lệ Đảng được sửa đổi tại Đại hội lần này đã bổ sung nội dung “hai xác lập”, bao gồm: Xác lập vị trí hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng; xác lập vai trò chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới như là thành quả mới nhất của việc Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Mác.
Ngoài ra, Điều lệ Đảng cũng bổ sung các nhiệm vụ tiến hành hiện đại hóa kiểu Trung Quốc để thúc đẩy phục hưng dân tộc, hướng tới thịnh vượng chung, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đẩy nhanh xây dựng bố cục phát triển mới, phát huy tinh thần đấu tranh và tự cách mạng, đẩy mạnh việc học tập lịch sử Đảng và một số nội dung quan trọng khác.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XX, gồm 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XX gồm 133 ủy viên. Các Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XX gồm: Đồng chí Tập Cận Bình, sinh năm 1953, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương; đồng chí Vương Hộ Ninh, sinh năm 1955, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; đồng chí Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương; đồng chí Đinh Tiết Tường, sinh năm 1962, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; đồng chí Lý Hy, sinh năm 1956, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông; đồng chí Lý Cường, sinh năm 1959, Bí thư Thành ủy Thượng Hải; đồng chí Lý Hồng Trung, sinh năm 1956, Bí thư Thành ủy Thiên Tân; đồng chí Trương Hựu Hiệp, sinh năm 1950, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; đồng chí Trần Mẫn Nhĩ, sinh năm 1960, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; đồng chí Hồ Xuân Hoa, sinh năm 1963, Phó Thủ tướng; đồng chí Hoàng Khôn Minh, sinh năm 1956, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương; đồng chí Thái Kỳ, sinh năm 1955, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
Theo kế hoạch, sau phiên bế mạc Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX sẽ tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ nhất, bầu Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.