BĐBP duy trì trực 5.718 cán bộ, chiến sĩ/245 phương tiện ứng phó bão số 5
Sáng 18-9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 5.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 18-9, bão số 5 đã đổ bộ vào vùng bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam. T
heo dự báo trong khoảng 1- 2 tiếng nữa, bão số 5 sẽ đổ bộ lên đất liền, trong đó vùng trọng tâm của bão sẽ đi vào khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 7 - 8. Cập nhật từ các trạm đo thực tế đến sáng 18-9, ở Cửa Tùng (Quảng Trị), Hải Long (Thừa Thiên Huế) đã có gió mạnh cấp 8. Ngoài ra, khu vực đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cũng ghi nhận có gió mạnh
Bão số 5 sẽ gây ra tổng lượng mưa rất lớn, có nơi đã đạt 339mm. Dự báo khi bão vào mưa tập trung chủ yếu trong sáng 18-9, chiều sẽ giảm, cao nhất đạt 200mm. Mưa lớn khả năng ở các sông ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có thể lên tới báo động 2.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng Phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP , các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tiếp tục duy trì thường trực 5.718 cán bộ, chiến sĩ/245 phương tiện; phối hợp với các lực lượng kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/285.384 người biết diễn biến của bão số 5 để chủ động di chuyển vào nơi tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Kết luận tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện nay không còn tàu thuyền ở trong khu vực nguy hiểm. Các địa phương đã triển khai tích cực theo chỉ đạo. Công tác thông tin đã làm tốt khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắn tin gần 8000.000 thuê bao trong vùng nguy hiểm khi bão vào.
Ông Vũ Xuân Thành cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo cùng các bộ ngành. Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, tiếp tục kiểm tra các lồng bè, chòi canh không để người dân trên khu vực nguy hiểm này. Đề nghị quản lý, phân luồng giao thông khi bão vào và có thể ngập lụt. Kiểm tra nhà cửa tránh sập đổ. Chuẩn bị các phương án ứng phó với lũ ống, lũ quét khi xảy ra. Chỉ đạo an toàn hồ chứa, thủy lợi, thủy điện để vận hành liên hồ chứa một cách an toàn.