BĐBP các tỉnh miền Trung đẩy mạnh chống khai thác IUU
Trước tác động của 'thẻ vàng' đối với ngành thủy sản ngày càng rõ nét, cùng với đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ thì công tác thông tin, tuyên truyền cho ngư dân đã được BĐBP các tỉnh miền Trung đẩy mạnh, đặc biệt là trong thời gian gần đây, thực hiện đợt cao điểm của Chính phủ về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Công tác tuyên truyền đã được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chú trọng, giúp ngư dân hiểu rõ những nguy hại khi đánh bắt thủy sản trái phép ở ngư trường nước ngoài.

Cán bộ BĐBP Bình Thuận tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân ngay tại cảng cá. Ảnh: Trung Thành
Thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU, thời gian qua, các tổ công tác của các đồn Biên phòng tuyến biển đã trực tiếp tuyên truyền, vận động ngư dân kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát trên thực địa. Trung úy Vũ Tuấn Hải, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phước Lộc, BĐBP Bình Thuận cho biết, trong quá trình công tác, cán bộ đơn vị đã trực tiếp lên tàu, tiếp cận bà con để tuyên truyền, phát tờ rơi và phổ biến thông tin về tình hình đánh bắt thủy sản, dự báo thời tiết, cũng như các quy định pháp luật hiện hành nhằm giúp ngư dân nắm rõ và tuân thủ trong quá trình ra khơi.
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp cho ngư dân, công tác tuyên truyền còn được cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện lồng ghép trong quá trình tuần tra, kiểm soát, quản lý phương tiện khi xuất nhập bến cũng như khi ngư dân đến làm thủ tục tại các trạm kiểm soát Biên phòng. Theo đó, ngoài kiểm tra, giám sát chặt chẽ và giải quyết nhanh gọn các thủ tục để phương tiện xuất nhập bến, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát tại các trạm kiểm soát Biên phòng còn tiến hành song song công tác tuyên truyền về các quy định trong khai thác, đánh bắt, cấp phát tờ rơi, trao đổi, giải đáp cùng ngư dân về các quy định của pháp luật, cũng như yêu cầu hướng dẫn để ngư dân viết cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp.
Ông Trịnh Văn Hiền, chủ tàu QNg 90620 TS cho biết, trước đây, ông chưa hiểu rõ về tác động của “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng với thủy sản khai thác của Việt Nam. Sau khi được lực lượng Biên phòng tuyên truyền, ông nhận thức được những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ với đất nước, mà cả với đời sống của ngư dân. Từ đó, ông nghiêm túc chấp hành các quy định, không xâm phạm vùng biển nước ngoài và luôn thực hiện đánh bắt hợp pháp theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Tại Hà Tĩnh, để công tác tuyên truyền hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã đẩy mạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua tổ chức các buổi tuyên truyền tại trụ sở đồn Biên phòng, các thôn, xóm, trường học, cảng cá.... Do đặc thù ngư dân thường xuyên đi làm ăn xa, dài ngày trên biển, nên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã tập trung tuyên truyền thường xuyên tại các bến tàu, khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản; kết hợp vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền ngay trên biển. Thượng tá Nguyễn Văn Lương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đèo Ngang, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền, từ các diễn đàn, hội nghị tại khu dân cư cho đến tiếp cận trực tiếp tại nhà hoặc liên hệ qua điện thoại đối với các ngư dân thường xuyên đi biển dài ngày. Nhờ vậy, nhiều chủ tàu đã chủ động đưa phương tiện đi đăng kiểm, chấp hành nghiêm quy định về chống khai thác IUU”.
Cùng với đó là các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, khai thác hải sản hợp pháp, phòng chống tội phạm trên biển, ứng phó sự cố trên biển, đặc biệt thời gian gần đây là các quy định về IUU... Nhờ vậy, nhận thức của bà con khu vực biên giới, ngư dân trên biển đã có sự chuyển biến tích cực. Ông Bùi Văn Chuổng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tại địa phương từng xảy ra tình trạng một số tàu thuyền dùng giã cào để đánh bắt. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa đồn Biên phòng và các lực lượng chức năng, các trường hợp vi phạm đã được phát hiện, xử lý và tuyên truyền kịp thời. Hiện nay, tình trạng khai thác IUU cơ bản không còn xảy ra tại khu vực bãi ngang này”.

Cán bộ BĐBP Hà Tĩnh phát tờ rơi tuyên truyền về khai thác thủy sản đúng pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Minh Toàn
Cùng với lực lượng Biên phòng, thời gian qua, nhiều địa phương ven biển miền Trung đã phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cảnh sát biển, chính quyền địa phương, hội nghề cá... cùng vào cuộc đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Một số tỉnh như Quảng Ngãi, Khánh Hòa đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên bám sát tại các cảng cá trọng điểm, vừa kiểm tra hồ sơ tàu cá, vừa giám sát hành trình và tuyên truyền ngư dân cập nhật nhật ký khai thác điện tử.
Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" thủy sản của EC trong thời gian sớm nhất. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Nhiều tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, giúp cơ quan chức năng theo dõi trực tuyến quá trình đánh bắt trên biển. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản đang dần được đồng bộ, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đánh bắt hợp pháp. Đây được xem là bước tiến quan trọng để hội nhập quốc tế và khẳng định thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Điều đáng ghi nhận hơn cả là sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân. Nếu trước đây, nhiều người còn chủ quan, chưa nắm rõ quy định, thì nay, phần lớn đã ý thức được hậu quả nếu vi phạm IUU - không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập cá nhân, mà còn gây thiệt hại cho cả cộng đồng và quốc gia. Những buổi tuyên truyền trực tiếp, những cuộc gặp gỡ chân tình giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP và bà con ngư dân đã góp phần “thấm dần” tinh thần trách nhiệm. Từ việc chỉ nghe cho biết, ngư dân nay đã chủ động tìm hiểu luật, điều chỉnh ngư trường, chủ động khai báo hành trình và hợp tác với lực lượng chức năng.
Chống khai thác IUU không phải là cuộc chiến ngắn ngày. Song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng BĐBP và tinh thần hợp tác của ngư dân, có thể tin tưởng rằng, mục tiêu gỡ "thẻ vàng", xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm sẽ sớm trở thành hiện thực trên dải đất miền Trung giàu truyền thống ngư nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của BĐBP, hàng vạn ngư dân khu vực biển miền Trung cam kết không tham gia khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đây là những kết quả rất khả quan của công tác phòng chống khai thác IUU và cũng khẳng định được những nỗ lực của các ngành, các cấp, đặc biệt là đối với các đơn vị BĐBP tuyến biển miền Trung trong cả nước trong thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP trong công tác phòng chống khai thác IUU.